- "Táo quân 2019" lên sóng và nhận phải nhiều ý kiến trái chiều. Là nhà biên kịch, nhà nghiên cứu văn hóa, ông đánh giá thế nào về chương trình này?
Nói chung là năm nay tôi thấy nhiều người đã chuyển kênh hoặc tắt tivi khi đang xem Táo quân 2019. Cũng có người xem và cười đấy nhưng tiếng cười có phần gượng gạo.
Táo quân 2019 quá nhạt và nhàm, không có gì mới so với các năm trước. Nói chung là mô-típ và kịch bản vẫn như mọi năm, mọi mũi nhọn vẫn hướng vào Táo Giáo dục, Giao thông, Xã hội. Đặc biệt, có những vấn đề nhắc lại, rất cũ, nói đi nói lại nhiều năm nay.
Những vấn đề nổi cộm, nóng nhất của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong năm qua không được nhắc tới. Dường như Táo quân ngày càng e dè hơn trước những vấn đề nóng của đất nước. Thay vì đề cập tới những vấn đề đang khiến dư luận bức xúc, họ chọn cách đi an toàn là khai thác những vấn đề bề nổi mà ai cũng thấy hoặc giễu nhại một cá nhân để mong lấy được tiếng cười dễ dãi từ phía một số khán giả.
- Dường như ông đang nhắc tới việc "Táo quân 2019" có nhiều câu thoại, hành động được cho là nhằm vào ông chủ thương hiệu cafe Trung Nguyên — Đặng Lê Nguyên Vũ?
Một trong những điều cấm ở văn học nghệ thuật là miệt thị danh nhân, người nổi tiếng, hoặc cả những cá nhân bình thường. Thế nhưng ê-kíp thực hiện chương trình Táo quân 2019 lại công khai, ngang nhiên xúc phạm, hạ nhục Đặng Lê Nguyên Vũ.
Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ là ông chủ của một thương hiệu cafe lớn, không chỉ nổi danh trong nước mà còn trên thế giới. Nếu nói không quá, ông ý còn là một trong những niềm tự hào của người Việt.
Hơn nữa, trong trích đoạn được cho là nhằm vào ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nhân vật Nam Tào còn sử dụng câu "mắt lồi, môi thâm, đã xấu đừng có thiền…". Tôi nghĩ, trong xã hội văn minh, điều tối kỵ là đem vẻ ngoài của người khác ra chê bai. Anh có vẻ ngoài cao ráo, đẹp đẽ, đó là phúc phận của anh nhưng không có nghĩa là vì thế anh có quyền chê bai sự xấu xí của người khác. Đó là sự độc ác, thiếu văn minh.
Người xưa vẫn có câu "đa khẩu hạ lưu tình", muốn xây dựng một người phải mất ngàn lời nhưng để hủy diệt họ thì chỉ cần bằng một câu nói.
Trong năm qua có bao nhiêu cá nhân có những hành động ảnh hưởng tới cả xã hội như các tướng công an liên quan tới đường dây đánh bạc nghìn tỷ, Vũ Nhôm, hay những tên tài xế lái xe điên, cướp đi sinh mạng hàng chục người vô tội, những người ấy sao chương trình không đề cập tới?
Hay vì ê-kíp làm Táo quân bí đề tài quá nên mới chọn cách nhằm vào những cá nhân mà biết họ sẽ không thể hoặc không buồn phản ứng lại?
Nếu ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn, ông ấy có thể khởi kiện ê-kíp sản xuất Táo quân. Và khi đó, tôi tin sẽ có nhiều người ủng hộ ông Vũ.
Bên cạnh đó, Táo quân 2019 cũng vấn tiếp tục phớt lờ phản ứng của cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) khi tiếp tục xây dựng nhân vật Bắc Đầu đanh đá, chua ngoa. Trong năm 2018, cộng động LGBT đã gửi thư ngỏ nói rõ, chương trình Táo quân khiến họ có cảm giác bị "mang ra làm trò cười, thậm chí bị xúc phạm họ với ngôn từ tệ hại".
- Bên cạnh những tồn tại trên, "Táo quân 2019" còn bị phản ứng rất nhiều vì lạm dụng quảng cáo. Ông nghĩ sao về điều này?
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, các chương trình truyền hình, muốn sống được và sống tốt, cần phải dựa vào quảng cáo. Quảng cáo không có gì là xấu cả.
Năm nay, để có được 10 giây quảng cáo trong chương trình Táo quân, các doanh nghiệp phải bỏ ra 265 triệu đồng, với 30 giây quảng cáo, số tiền đó lên tới 530 triệu đồng.
Như vậy, có người nhẩm tính, chỉ với 10 phút bán quảng cáo trong thời gian phát sóng, ê-kíp sản xuất Táo quân 2019 và VTV đã thu được khoảng 10,6 tỷ đồng. Đó là chưa kể khung quảng cáo trước thềm phát sóng.
Dù có nguồn thu lớn như thế, nhưng ê-kíp làm Táo quân còn đi thêm bước nữa, cho quảng cáo vào chính kịch bản của chương trình. Không ít lần khán giả bị hẫng khi đang xem chương trình rồi giật mình khi nhận ra các thương hiệu được gài vào trong đó, không chỉ bằng cách bóng gió mà nhắc trực diện.
Có người từng nói với tôi, những lúc như thế, họ có cảm giác như đang ăn cơm mà vướng phải viên sạn to đùng, rất khó chịu.
Tôi nghĩ, những người thực hiện chương trình cũng đoán khán giả sẽ cảm thấy khó chịu như thế nào nhưng họ vẫn phớt lờ và thực hiện. Đó là sự không minh bạch, thiếu tôn trọng khán giả.
- Theo ông, việc "Táo quân 2019" có những tồn tại trên, lỗi là do ai?
Là do tổng đạo diễn và người chịu trách nhiệm sản xuất chương trình này.
Còn các diễn viên, họ chỉ làm theo kịch bản và theo yêu cầu của đạo diễn. Họ đều là những người có tên tuổi trong lĩnh vực nghệ thuật, rất tâm huyết với chương trình và rất bận rộn chứ không phải là những người "vô công rỗi nghề", thấy có chương trình nào mời là tham gia.
Trước đây, tôi có đọc được ý kiến của một vị đạo diễn nói rằng, một số diễn viên thành danh là nhờ chương trình Táo quân. Có lẽ, người này đã nhầm. Công Lý, Quốc Khánh, Chí Trung là những diễn viên diễn chính kịch rất hay. Xuân Bắc cũng không chỉ đơn thuần là diễn viên hài. Anh có rất nhiều vai diễn ấn tượng trên sân khấu kịch. Còn Tự Long đã được phong danh hiệu NSND vì những đóng góp trên sân khấu chèo.
- Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc nên dừng chương trình "Táo quân" lại. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Dừng Táo quân có lẽ là điều rất khó. Thứ nhất, khán giả vẫn cần có một chương trình phát sóng vào đêm Giao thừa. Ở đó, họ có thể một lần nữa nhìn lại những vấn đề nổi cộm trong xã hội trong suốt năm vừa qua.
Thứ hai, Táo quân vẫn là còn gà đẻ trứng vàng của VTV. Đó là cái mỏ vẫn đào được nên họ sẽ không vì phản ứng của dư luận mà khép lại chương trình.
Tuy nhiên, tôi nghĩ đã đến lúc ê-kíp sản xuất phải thay đổi chương trình, thay đổi để thể hiện sự tôn trọng chính mình và tôn trọng khán giả.
Với người nghệ sĩ, cái sung sướng nhất là được thỏa sức sáng tạo. Hãy thỏa sức sáng tạo, làm hết mình và chinh phục khán giả hơn là cứ ở yên một chỗ, bào mòn những cái cũ để lấy tiếng cười dễ dãi của một số bộ phận công chúng.
Cảm ơn ông về buổi trò chuyện!