Đầu năm nay, đã có thông tin cho hay Nga đang phát triển một hệ thống tên lửa chống tăng di động (ATGM) mới, «sát thủ xe tăng», giống như tổ hợp Javelin của Mỹ, Charlie Gao từ tạp chí National Interest đã trích dẫn tuyển tập theo chủ đề của Cục Tên lửa — Pháo binh (GRAU) Bộ Quốc phòng Nga.
Trong một báo cáo về hoạt động khoa học và kỹ thuật của GRAU, Đại tá Roman Spirin đã nói về vũ khí ATGM mới, dự kiến sẽ tăng cường khả năng xuyên giáp và chống nhiễu. Tuy nhiên, một tính năng chính của tổ hợp mới sẽ là "đảm bảo tiêu diệt các mục tiêu tại những vị trí có lớp bảo vệ yếu".
Theo nghĩa này, ATGM mới sẽ khác với các tổ hợp trước đó, thường sử dụng đầu đạn cỡ lớn hơn hoặc số lượng nhiều hơn để bắn xuyên qua vỏ giáp. Có lẽ đây là một trả lời đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của áo giáp composite trên xe tăng NATO, chẳng hạn như Abrams M1A2S đời mới, có lớp giáp rất khó phá hủy, ngay cả với đầu đạn cỡ lớn hơn, bài báo viết.
Tên lửa mới cũng được cải tiến theo nghĩa hoạt động trên cơ sở «bắn và quên». Các tên lửa trước đây của Nga và Liên Xô hầu như luôn dùng phương thức dẫn đường bán tự động theo tầm nhìn, nghĩa là xạ thủ phải giữ mục tiêu của mình trong tầm ngắm cho đến khi đạn nổ. Gần đây các hệ thống đã được cải tiến và sử dụng hệ thống dẫn đường tự động theo tầm nhìn, nhưng vẫn không cho phép người lính rút lui ngay sau khi phóng tên lửa.
Nếu tính đến việc các tên lửa mới của Nga sẽ hoạt động theo nguyên tắc «bắn — quên», và sẽ có khả năng tấn công từ trên cao, thì có vẻ như đó sẽ là bản sao chính xác của tổ hợp Javelin.
Tuy nhiên, các chi tiết khác xuất hiện trong báo cáo nói trên cho thấy điều ngược lại. ATGM mới của Nga sẽ nhấn mạnh vào việc phóng tên lửa từ "địa điểm có diện tích kich thước nhỏ không được chuẩn bị trước" và sử dụng để chiến đấu trong thành phố, tác giả lưu ý.
Mặc dù Javelin là một hệ thống di động, nhưng khá cồng kềnh và khó triển khai sử dụng nhanh chóng. Đầu dò nhiệt của bộ khởi động đòi hỏi thời gian làm mát từ 2,5 — 3,5 phút, mặc dù ống ngắm ban ngày có thể được sử dụng để cố định mục tiêu nhanh hơn.
Nếu xem xét các điều kiện ứng dụng, ATGM mới của Nga rất có thể sẽ giống với các hệ thống tên lửa di động như Spike-SR của Israel hoặc Enforcer của công ty MBDA châu Âu. Cả hai đều là ATGM sử dụng một lần.
«ATGM hoạt động theo nguyên tắc bắn và quên, sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho xe tăng NATO. Và trong khi vẫn chưa rõ liệu hệ thống Trophy, đang được thử nghiệm lắp đặt trên xe tăng Abrams, liệu có thể đẩy lùi các cuộc tấn công của tên lửa chống tăng từ trên không, vì quỹ đạo của các tên lửa này có thể nằm ngoài vùng phát hiện của radar Trophy», tác giả Charlie Gao viết trên National Interest.