Chủ nghĩa tư bản theo kiểu Cuba
"Bạn đã sẵn sàng để phê chuẩn hiến pháp mới của đất nước hay không?" — hơn 70% người dân Cuba đã bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp mới, với tỷ lệ 84% cử tri tham gia bỏ phiếu. Bây giờ nảy ra những câu hỏi khác: Hiến pháp mới sẽ làm thay đổi Hòn đảo Tự do như thế nào? Và điều quan trọng nhất — liệu đây là dấu mốc bắt đầu sự kết thúc thời đại Fidel ở Cuba? Những biến đổi nghiêm trọng sắp diễn ra trong tất cả các lĩnh vực.
Hiến pháp mới hợp pháp hóa tài sản tư nhân, đã bị cấm ngay sau cuộc cách mạng năm 1959. Cuộc thảo luận về chủ đề này đã bắt đầu vào năm 2011 dưới thời Raul Castro. Hoạt động kinh doanh sẽ được hợp pháp hóa, và đầu tư nước ngoài được công nhận là một yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nhưng, đây không phải là sự thay đổi quan trọng nhất.
Tiếp tục con đường cải cách của Fidel
Theo các sửa đổi, bây giờ quyền lực ở đây nằm trong tay Tổng thống chứ không phải Hội đồng Nhà nước Cuba. Từ nay Tổng thống chỉ được cầm quyền hai nhiệm kỳ 5 năm. Điều đáng chú ý là, người đưa ra sáng kiến này không phải là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Miguel Díaz-Canel, 59 tuổi. Người tiền nhiệm của ông, Raul Castro, tác giả của hầu hết các cải cách, đã đòi phải làm như vậy.
Nét nổi bật trong bản dự thảo Hiến pháp lần này là giới hạn độ tuổi: không quá 60 tuổi — đối với Tổng thống, đến 70 tuổi — đối với Chủ tịch đảng. Có chú ý đến việc ông Raul Castro ở lứa tuổi 80, có thể giả định rằng, ông sẽ sớm rời khỏi mọi hoạt động công cộng. Ở Cuba sẽ có chức vụ Thủ tướng — người đứng đầu chính phủ. Chính Tổng thống chứ không phải Quốc hội bổ nhiệm thủ tướng. Hệ thống độc đảng được duy trì. Tức là, không ai phủ nhận vai trò dẫn đường của Đảng Cộng sản.
Hòn đảo Tự do cho cộng đồng LGBT
Trong lĩnh vực xã hội cũng có những thay đổi. Ví dụ, Cuba chấp nhận tình trạng hai quốc tịch. Hiến pháp Cuba đã có hiệu lực trong 40 năm qua quy định rõ ràng rằng, người Cuba không có quyền được cấp hộ chiếu của một quốc gia khác, và những người vi phạm nguyên tắc này ngay lập tức bị tước quyền công dân. Bây giờ tất cả các biện pháp trừng phạt đều bị dỡ bỏ.
Thêm một thay đổi mở rộng quyền con người trong vấn đề giả định vô tội. Bất kỳ công dân nào bị tình nghi phạm tội có quyền không trả lời câu hỏi của điều tra viên và yêu cầu người bào chữa. Tuy nhiên, các nhà phê bình gọi điều này là vô lý, bởi vì nghề luật vẫn là một cấu trúc nhà nước, vì thế không thể nói về sự vô tư của người bào chữa cho bị cáo.
Trong dự thảo Hiến pháp đã có điều khoản nhằm cho phép hôn nhân đồng giới. Con gái của Raul Castro, Mariela, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, đã đòi phải phê chuẩn điều khoản này. Bà Mariela Castro đã đề xuất định nghĩa lại hôn nhân là "sự kết hợp của hai người" chứ không phải chỉ là sự "kết hợp" giữa một người nam và một người nữ. Nhưng, giáo dân của các nhà thờ Công giáo đã bị xúc phạm. Ở Cuba đã mở rộng chiến dịch bảo vệ các giá trị gia đình truyền thống. Dưới áp lực của công chúng, điều khoản về quyền của cộng đồng LGBT không được ghi vào Hiến pháp mới. Tuy nhiên, lệnh cấm phân biệt đối xử người LGBT vẫn còn.
Dưới sự hướng dẫn chu đáo của Đảng Cộng sản
Sau cuộc trưng cầu dân ý, phe đối lập trong và ngoài nước đã cáo buộc chính quyền La Habana nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy. Cải cách là vô nghĩa, bởi vì Đảng Cộng sản vẫn là lực lượng chính trị chính, các nhà phê bình nhấn mạnh. Ngoài ra, nhà nước vẫn kiểm soát chặt chẽ tất cả các phương tiện truyền thông. Phe đối lập nghi ngờ về sự độc lập của nhà lãnh đạo mới — Miguel Díaz-Canel, 59 tuổi, bởi vì gia đình Castro giám sát tất cả các hoạt động của ông. Theo những người phản đối cải cách, trong điều kiện này không thể nói về tự do hóa nghiêm trọng.
Washington cũng không hài lòng. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng, dưới vỏ bọc cải cách nhỏ, chính quyền Cuba đang che đậy sự vô pháp luật và đàn áp. Thượng nghị sĩ Marco Rubio tin chắc rằng, mục tiêu chính của chính phủ Cuba là giữ quyền lực bằng mọi giá. Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng, La Habana không nên hy vọng vào việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được áp dụng trong nhiều thập kỷ.
Chuyên gia Nikolai Kalashnikov, cố vấn của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý rằng, các biện pháp trừng phạt hạn chế nghiêm trọng cuộc cải cách của Cuba. Nhưng, ông không đồng ý với ý kiến rằng, quá trình tự do hóa ở Cuba chỉ có tính chất hình thức.
Hiến pháp vừa được thông qua có thêm 92 điều khoản mới. Hơn nữa, 35 điều khoản được dành cho các quyền dân sự. Trong hiến pháp cũ được thông qua dưới thời Xô viết và khối xã hội chủ nghĩa, không có những điều khoản như vậy. Hiến pháp mới hợp pháp hóa tài sản tư nhân, bảo vệ đầu tư nước ngoài, và các cuộc cải cách này đang được thực hiện, vì vậy thật sai lầm khi cáo buộc chính quyền nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy, — chuyên gia giải thích trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Theo ông, rào cản chính trong quá trình cải cách không phải là chính quyền Cuba, mà là chính quyền Hoa Kỳ. Ông giải thích thêm rằng, trên thực tế, sau khi ông Trump lên cầm quyền, "sự ấm lên" trong quan hệ Mỹ-Cuba đã biến mất. Và điều đó tác động tiêu cực đến các cuộc cải cách của La Habana.
"Việc Trump nối lại chính sách cứng rắn đối với Hòn đảo Tự do dẫn đến việc người Cuba một lần nữa có cảm giác họ đang sống trong một pháo đài bị bao vây", chuyên gia cho biết.
Ông Kalashnikov không đồng ý với quan điểm rằng, các cuộc cải cách ở Cuba sắp dẫn đến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa. Một trong những điều khoản đầu tiên của Hiến pháp có ghi: Cuba là một nhà nước xã hội chủ nghĩa, và Đảng Cộng sản là lực lượng chính trị chính, — chuyên gia nhắc nhở. Điều đó có nghĩa là Hòn đảo Tự do chưa có ý định thay đổi véc tơ phát triển.