Theo đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh — Hà Đông sẽ có giá vé 30.000 đồng/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày) và giá vé tháng 200.000 đồng/tháng (dành cho đối tượng hành khách phổ thông). Theo UBND TP Hà Nội, phương án giá vé này đã có trợ giá, áp dụng trong thời gian thí điểm vận hành thương mại. Mức giá này cũng đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể hành khách và các khoản chi phí trung gian thanh toán nếu có.
Dự án đường sắt Cát Linh — Hà Đông có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ được khai thác thương mại từ quý 2.
Bộ Giao thông — Vận tải (GT-VT) vừa cho biết, bộ đã đề xuất xây mới đường sắt Lào Cai — Hà Nội — Hải Phòng bên cạnh tuyến đường hiện hữu đã được đưa ra tại dự án lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai — Hà Nội — Hải Phòng.
Theo đánh giá của Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 Đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn lập quy hoạch), tuyến đường hiện hữu từ Lào Cai đến Hải Phòng có tiêu chuẩn và năng lực thấp, vận tốc vận hành trung bình là 50km/giờ, không đáp ứng được các nhu cầu ngắn và dài hạn. Để nâng cao năng lực vận tải tuyến, đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án giữ nguyên hiện trạng tuyến cũ và xây dựng tuyến mới khổ tiêu chuẩn với quy mô tuyến chính là đường sắt cấp I, đường đơn. Tốc độ chạy tàu được thiết kế 160km/giờ, loại hình dẫn kéo điện lực; sử dụng trạm đóng tự động để đảm bảo an toàn. Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, tuyến đường bắt đầu từ ga Lào Cai hiện tại qua 8 tỉnh, thành phố: Lào Cai — Yên Bái — Phú Thọ — Vĩnh Phúc — Hà Nội — Hưng Yên — Hải Dương — Hải Phòng, điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 392km, trong đó, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) — Lào Cai (Việt Nam) có chiều dài 5,6km.