Tròn một năm trước, vào ngày 4 tháng 3 năm 2018, ở Salisbury xảy ra vụ ngộ độc với cựu nhân viên tình báo GRU bị kết án làm gián điệp cho Anh là Sergei Skripal, và cô Yulia con gái ông ta, khơi lên vụ xì-căng-đan quốc tế om sòm. London khẳng định rằng Nhà nước Nga liên quan đến vụ đầu độc Skripal bằng với hóa chất A234, còn Matxcơva kiên quyết phản bác lời cáo buộc này.
Như ghi nhận trong bình luận của Bộ Ngoại giao LB Nga, câu trả lời về nguyên nhân của những gì xảy ra ở Salisbury ngày 4 tháng 3 năm 2018 bây giờ đã quá rõ ràng.
"Trong tiếng Nga có câu "chết đuổi vớ cọng rơm". Đây là biểu tượng của niềm hy vọng cuối cùng trong tình cảnh nguy nan bế tắc — cái gì đó ngẫu nhiên, vô kế hoạch, một phương thức bột phát kỳ quái và vô ích. Như kẻ sắp chìm cố túm lấy cọng rơm mà không nghĩ tới hậu quả. Trong nền chính trị quốc tế có không ít cách biểu đạt trường hợp hết sức quẫn bách khó khăn không lối thoát, và mỗi nước đều có hình ảnh "cọng rơm" riêng của mình. Tuy nhiên trong diễn ngôn chính trị Anglo-Saxon, khái niệm "cọng rơm cứu sinh" này lại hóa ra là hình ảnh "con mèo chết" gớm ghiếc kém thi vị hơn nhiều, — như lời bình đăng tải trên tài khoản Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Nga.
Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra rằng nhân vật "khai sáng" dẫn ra thành ngữ này không phải ai xa lạ mà chính là "một trong số công tố viên hăng hái kết tội đất nước chúng ta nhất trong câu chuyện Salsbury", — cựu Ngoại trưởng Vương quốc Anh Boris Johnson.
Ngay khi còn là Thị trưởng London vào năm 2013, trong tiểu luận dành cho tờ Telegraph, Johnson đã kể về sự thiếu trung thực theo nhãn quan của ông ta trong "chiêu thức biện chứng pháp" mà Liên minh châu Âu sử dụng khi tranh cãi với London, — như ghi chú trong bài bình luận. Đây là đoạn trích dẫn từ bài viết của Jonhson:
"Giả sử quí vị đang sa lầy trong cuộc tranh cãi. Tất cả các sự kiện đều chống lại quý vị và càng nhiều người xung quanh đào bới đi sâu vào bản chất của những gì đang xảy ra, thì tình hình càng tệ hại hơn cho quý vị và cho vị thế của quý vị. Động thái tốt nhất mà quý vị có thể làm trong trường hợp này là áp dụng chiêu thức giống như một bậc thầy giầu kinh nghiệm mô tả là "vung tay ném con mèo chết ra giữa bàn". Việc một con mèo chết nằm chình ình trên bàn ăn tối có tác dụng hoàn toàn rõ ràng. Tôi không định nói về sự hoảng sợ, bất an hay ghê tởm mà những người xung quanh sẽ cảm thấy. Điều đó có thể hiểu được, nhưng không liên quan đến chuyện đang nói. Vấn đề chính, như khẳng định của một người Australia đồng chí hướng của tôi, phản xạ của toàn thể đám đông bất ngờ sẽ là tiếng kêu thất thanh: "Có một con mèo chết trên bàn!". Nói cách khác, người ta sẽ bắt đầu nói về con mèo chết — chính là về những gì quý vị muốn họ nói, và lãng quên những gì vừa đây còn khiến quý vị đau đầu", — lời bình nhận xét.
Theo Bộ Ngoại giao LB Nga, chẳng cần phải là Sherlock Holmes cũng thấy sự tương đồng trong luận đề trên và vụ việc ở Salisbury.
"Brexit" chính là cuộc tranh cãi nọ, là "cơn đau đầu" của Chính phủ Theresa May. Cư dân Anh càng đi sâu vào bản chất cuộc tranh chấp giữa Brussels và London, ắt sẽ rút ra được kết luận riêng về hiệu quả hoạt động của nội các hiện nay.
"Vụ việc ở Salisbury" chính là mánh lừa "tung mèo chết". Khi ném "con mèo chết" — "vụ đầu độc" vào lĩnh vực thông tin, chính quyền Anh mong đợi chí ít cũng là dời chuyển sự chú ý của các công dân nước họ khỏi sự bất mãn khó chịu với nhà chức trách, hòng quy tụ dân chúng trước "mối đe dọa đáng ngại từ phía Nga", — cơ quan ngoại giao kết luận.