Theo trang web du lịch Price of Travel, giá tàu điện ở Bắc Kinh giao động từ 3 — 9 CNY (10.000 — 30.000 VND). Giá này gần như tương đương với giá vé tại Việt Nam.
Bangkok, Singapore và có mức phí cho phương tiện giao thông tương đương nhau, đều rơi vào khoảng 0,5 — 1 USD (12.000 — 24.000 VND).
Hầu hết các vé tàu điện ngầm thành phố ở Tokyo có giá khoảng 100 — 200 JPY (tương đương từ 21.000 — 42.000 VND cho một chuyến. Giá sẽ thay đổi theo khoảng cách, càng đi xa giá càng cao. Xe bus cũng có một phạm vi giá tương tự. Ở hầu hết các thành phố lớn, người dân có thể mua vé ngày, cho phép đi lại không giới hạn trong 24 giờ với giá khoảng 800 JPY (166.000 VND).
Ở Hàn Quốc, di chuyển bằng tàu điện tốn khoảng 1252 — 1353 KRW (26.000 — 29.000 VND)
Các quốc gia nằm trong khối Liên minh châu Âu có giá vé phương tiện công cộng thấp nhất khoảng 1,5 USD đến 5 USD, cao nhất lên tới 16,24 USD một chuyến tại Đan Mạch đối với các chuyến đi đường dài.
Nếu so sánh một cách tương đối, giá của phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam là tương đối phải chăng. Nhưng nếu xét đến thu nhập bình quân đầu người giữa các quốc gia thì thu nhập bình quân của Việt Nam kém hơn nhiều so với Bangkok hay Singapore, nhưng giá vé tàu điện lại không rẻ hơn là bao.
Metro Hà Nội đã tiến hành khảo sát hơn 1.500 người dân lân cận tuyến đường sắt Cát Linh — Hà Đông về giá của tuyến đường sắt trên cao. Khảo sát kết quả: đa phần các ý kiến đóng góp chấp thuận giá vé lượt của đường sắt đô thị cao hơn giá vé xe bus từ 30 — 37%; giá vé tháng cao 15 — 20%. Ví dụ, nếu giá xe bus là 7.000 VND thì vé đường sắt 10.000 VND là có thể chấp nhận được.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Metro Hà Nội: "Đơn vị tàu điện Cát Linh — Hà Đông đề xuất 3 phương án giá vé, với mức giá thấp, trung bình và cao. Mỗi phương án chênh nhau 1.000 VND mỗi vé".
Các phương án giá vé được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ của phía nhà đầu tư Nhật Bản — JICA, theo kinh nghiệm thế giới và căn cứ vào khả năng chi trả của người dân. Đồng thời nhà nước cũng đồng ý trợ giá để phương tiện giao thông công cộng có tính cạnh tranh với phương tiện cá nhân.
Dự kiến phương thức xây dựng giá vé sẽ dựa trên mức giá mở cửa, sau đó tính tiền cho mỗi km di chuyển theo nguyên tắc "đi bao nhiêu trả bấy nhiêu". Mức giá bình quân được đề xuất cao hơn vé xe buýt khoảng 40%. Với phương án vé trung bình, hành khách đi 4 — 5 km sẽ chi khoảng 10.000 VND, nếu đi cự ly ngắn thì giá sẽ giảm còn đi cự ly dài hơn thì giá tăng thêm.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội — ông Bùi Danh Liên lại cho rằng cần có chính sách giá khác: "Đây là một loại phương tiện mới tại Hà Nội, vốn đầu tư rất lớn, nên Hà Nội, các cơ quan tài chính cũng phải xây dựng biểu giá để dần dần thu hồi vốn cho Nhà nước, cho thành phố là chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc đặt giá vé ban đầu phải thu hút khách hàng. Phải có tư duy thương mại, giống như Grab chiếm lĩnh thị phần vì ban đầu họ hạ giá, tìm mọi cách thu hút khách hàng".
Ông Liên đưa ra ý kiến, nên để thời gian 3 tháng đầu, giá vé tương đương vé xe buýt để thu hút khách hàng. Khi người dân trải nghiệm, có cảm nhận, họ sẽ hiểu đây là phương tiện hiện đại, thời gian di chuyển nhanh, an toàn. Họ sẽ có sự lựa chọn nên tham gia loại hình vận tải nào. Sau khi người dân quen dần với loại hình vận tải thì có thể tăng giá dần.