PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng các số liệu tương quan đầu tư và thương mại giữa các thành phần kinh tế ở Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy thực lực của nền kinh tế cải thiện chậm, hiện tại rất yếu.
"Kinh tế tư nhân trong nước, tuy về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới, chỉ đóng góp chưa đến 30%. Dù được coi là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế, thành phần này chỉ tăng thêm được… 0,8 điểm phần trăm tỷ phần trong GDP trong 6 năm qua", PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra số liệu dẫn chứng.
"Đóng góp GDP chủ yếu vẫn là thành phần kinh tế Nhà nước (28%) và kinh tế hộ gia đình (32%), nhưng đây lại là 2 lực lượng "có vấn đề" nhất về năng lực", ông Trần Đình Thiên nhận định.
"Khu vực hộ gia đình là lực lượng nhỏ bé, manh mún, trong khi kinh tế Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ lớn, nợ xấu nhiều, tiêu phí nhiều tài nguyên và nguồn lực quốc gia. Cả 2 thành phần này đều có sức cạnh tranh yếu, khó trở thành trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế thành công", PGS.TS Trần Đình Thiên lo ngại.
PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết, ở Việt Nam hiện nay, số doanh nghiệp "nhỏ và siêu nhỏ" vẫn chiếm 95-96% tổng số doanh nghiệp, số doanh nghiệp "vừa" chỉ chiếm khoảng 1,7%.
"Đây là một cơ cấu kinh tế có vấn đề nghiêm trọng", ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
"Tài năng của doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải cho đầu tư và cạnh tranh quốc tế, trong khi nguy cơ phạm luật mang tính hiện thực rất cao", PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Theo quan sát của mình, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết chỉ có khu vực doanh nghiệp FDI là "ăn nên làm ra", đóng góp khoảng 20% GDP với tốc độ gia tăng mang tính áp đảo.
Sở dĩ như vậy, vì theo ông Thiên, bên cạnh năng lực vượt trội, các doanh nghiệp này còn rất biết dựa vào thế mạnh của mình để tận dụng triệt để những lợi thế và ưu đãi mà Việt Nam dành cho đầu tư nước ngoài, bao gồm cả lợi thế tự nhiên (tài nguyên, lao động đồi dào với tiền lương thấp, vị trí địa lý, quy mô và sức tăng trưởng của thị trường) và ưu đãi chính sách (tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế, cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương).