Vụ việc kẻ quấy rối, sàm sỡ nữ sinh trong tháng máy Đỗ Mạnh Hùng (sinh năm 1982, quê ở An Lão, Hải Phòng) chỉ phải chịu mức xử phạt 200.000 đồng từ cơ quan chức năng vẫn đang là chủ đề tranh cãi gay gắt của dự luận.
Chia sẻ với VTC News, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền — Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hành vi quấy rối có tính chất côn đồ đối với phụ nữ, thể hiện sự thách thức, xem thường pháp luật, bị xã hội lên án gay gắt như vậy nhưng chỉ bị xử phạt 200 nghìn đồng là một chuyện rất bi hài và mức phạt này chỉ có tác dụng "răn đe" đối với những người bị hại.
- Quan điểm của bà thế nào về việc Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) xử phạt hành chính 200 ngìn đồng đối kẻ có hành vi quấy rối, sàm sỡ nữ sinh trong thang máy?
Một hành vi quấy rối có tính chất côn đồ với phụ nữ, được thực hiện giữa "thanh thiên bạch nhật" như thế, trong khi kẻ vi phạm thì trơ tráo, đã hành động vô pháp vô thiên ở nơi công cộng, lại còn có thái độ thách thức pháp luật, đe dọa người bị hại, xem thường cơ quan công quyền, dư luận xã hội phản ứng như vậy, cuối cùng chỉ bị phạt 200.000 đồng. Tôi thấy đó thực sự là một câu chuyện bi hài.
Bi hài ở chỗ, nó như cái nhếch mép vào cái gọi là sự ngay thẳng của cơ quan công quyền, sức mạnh công lý.
Bi hài nữa là nó xảy ra vào thời điểm chúng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết xã hội trong năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động, trong bối cảnh chúng ta đang rất nỗ lực đưa ra nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
- Tuy nhiên, áp với những quy định hiện hành của pháp luật, mức xử phạt của cơ quan chức năng dành cho kẻ sàm sỡ này là đúng quy định, thưa bà?
Với nhận định của cơ quan công an về hành vi của người gây ra sự việc thì họ áp dụng hình thức và mức xử phạt hành chính trong vụ việc này, so với quy định hiện hành là không sai. Nhưng, nó không còn đúng so với nhận thức và hiểu biết của người dân về pháp luật hiện nay.
Tôi cho rằng quy định như vậy đã rất lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống thực tiễn. Và nó chỉ có tính "răn đe" với ai đó là nạn nhân bị quấy rối tình dục nếu muốn khởi kiện. Rõ ràng, đó là một việc khá phản tác dụng khi dùng pháp luật để quản lý trật tự xã hội.
Nếu theo dõi dư luận, báo chí những ngày qua, sự nhởn nhơ của những kẻ có hành vi coi thường phụ nữ, trẻ em, coi thường pháp luật như thế, theo tôi việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội, hành vi ứng xử đã vô tình bị những văn bản pháp luật kém chất lượng phá hoại.
Phải nhắc lại rằng, đây không phải là vụ đầu tiên áp dụng việc xử phạt hành chính với hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng. Đã có vụ việc phạt rất nhẹ đối với hành vi quấy rối tình dục nơi công sở từng gây bức xúc xã hội rồi. Thế nhưng, cho đến nay, việc điều chỉnh sửa đổi vẫn chưa được thực hiện.
- Như vậy, chất lượng các văn bản dưới luật hiện nay đang còn nhiều điều chưa phù hợp?
Không chỉ riêng sự việc này, mà nhiều vụ việc gần đây cho thấy một số chính sách, điều khoản pháp luật đã không còn phù hợp với đời sống thực tiễn, cần phải nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi, cần phải nâng cao chất lượng việc xây dựng các văn bản dưới luật.
Đương nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, khi xây dựng luật và các văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật, để đáp ứng với sự vận động phát triển của xã hội thì sẽ có lúc phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi.
Luật phải luôn gần với cuộc sống và không thể có khoảng cách quá xa, phải có sự đồng bộ, tương ứng với những quy chuẩn đối với hành vi con người và môi trường xã hội.
Sự chậm trễ trong việc điều chỉnh sửa đổi Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã vô tình trở thành sự nhạo báng đối với nhân phẩm và danh dự con người là một sai lầm cần phải nhanh chóng loại bỏ.
- Bà vừa nhắc đến vấn đề bạo lực trên cơ sở giới hiện nay ở nước ta còn đang bị xem nhẹ?
Riêng vụ quấy rối phụ nữ trong thang máy, người đàn ông này đã sử dụng sức mạnh thể chất của nam giới để gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và thậm chí là tình dục đối với cô gái trong thang máy (cưỡng hôn, đe dọa, gây trầy xước ngoài da).
Như vậy, nó không chỉ đơn giản là sàm sỡ, với những hành vi cố tình tấn công điểm yếu về giới của phụ nữ như vậy, nếu để lại hậu quả nghiêm trọng thì có thể cấu thành tội hình sự.
Mà hậu quả của hành vi này thì không thể chỉ tính tới yếu tố chứng cứ vật chất, nó tổn thương về tinh thần, tâm sinh lý, hậu quả nặng nề hơn rất nhiều.
Nếu có sự nhận thức một cách đúng đắn và sâu sắc các hành vi liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới thì cơ quan có thẩm quyền sẽ vận dụng luật pháp trong quá trình điều tra xử lý vụ việc chính xác hơn.
Tôi cho rằng, các tổ chức Chính trị — xã hội đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em cần xem xét các yếu tố trên, tìm hiểu kỹ càng thấu đáo tính chất các vụ việc xảy ra vừa qua để có sự lên tiếng và đấu tranh một cách phù hợp nhất.
- Xin cảm ơn bà!