Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu tổng thanh tra Omopaman Conchita Carpio Morales hôm 15/3 nộp đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan, kêu gọi công tố viên Fatou Bensouda khởi xướng "cuộc khảo sát sơ bộ" để "đánh giá các hành vi phạm tội của Trung Quốc chống lại người dân Philippines và các quốc gia khác", theo Nikkei.
Khẳng định đại diện cho hàng trăm nghìn ngư dân, Del Rosario và Morales cáo buộc việc Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông là "sự hủy diệt, gần như vĩnh viễn, và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại".
Đơn kiện được nộp chỉ hai ngày trước khi Philippines chính thức rút khỏi ICC trong bối cảnh tòa đang xác định khả năng xảy ra tội ác chống lại nhân loại trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Trung Quốc không phải thành viên của ICC và điều này đặt câu hỏi về thẩm quyền của tòa.
Vụ kiện được công bố trong bối cảnh các quan chức hàng đầu Philippines, bao gồm Ngoại trưởng Teodoro Locsin và Bộ trưởng Tài chính Carlos Sebastuez, đang ở Bắc Kinh để họp với các đối tác Trung Quốc về hợp tác hàng hải và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Del Rosario, người nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, là ngoại trưởng Philippines từ năm 2011 đến 2016 dưới thời cựu tổng thống Benigno Aquino. Năm 2013, ông dẫn đầu vụ kiện chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông tại Tòa Trọng Tài thường trực ở The Hague. Bắc Kinh không tham gia vụ kiện.
Manila giành chiến thắng trong vụ kiện vào tháng 7/2016, song Tổng thống Duterte sau khi nhậm chức đã gạt bỏ phán quyết của tòa trọng tài, tích cực cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh từ đó cam kết tài trợ cho sáng kiến cơ sở hạ tầng của Duterte và hai bên cũng đồng ý thăm dò chung ở Biển Đông.
ICC, được thành lập năm 2002, là tòa án thường trực để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội ác xâm lược. Từ 2016, ICC thụ lý các vụ án liên quan tới tội hủy hoại môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp và trưng thu trái pháp luật đất đai của người dân. ICC hiện có 116 quốc gia thành viên, bao gồm tất cả các nước Nam Mỹ, gần như tất cả châu Âu và gần một nửa các nước ở châu Phi.