Sau Hòa Bình, đến nay Sơn La đã chính thức tìm ra những bài thi sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018.
Theo công bố, có tới 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.
Đáng chú ý, có thí sinh bị giảm tới 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.
Nếu tính tổng số thí sinh được nâng điểm của Sơn La sau hai lần chấm thẩm định của Bộ thì con số lên tới 86 thí sinh.
Cụ thể, tại đợt chấm thẩm định lần 1 vào tháng 7/2018, đối sánh dữ liệu và chấm thẩm định lại 110 bài thi môn Ngữ văn tại Sơn La thì có 42 thí sinh bị giảm điểm. Thí sinh bị giảm nhiều điểm nhất lên tới 4,5 điểm.
Trước đó, tại Hòa Bình, có 64 thí sinh (63 thí sinh 2018, 1 thí sinh 2017) có thay đổi về kết quả. Cao nhất có 1 thí sinh có bài thi môn Hóa học được nâng lên 9,25 điểm. Cá biệt, có thí sinh tổng điểm thi 3 môn được tăng lên đến 26,45 điểm.
Khác với Hà Giang, các hành vi gian lận của Hòa Bình và Sơn La được tìm ra khi không ít các thí sinh này đã bước vào cổng trường đại học và đàng hoàng trở thành sinh viên.
Không ít trong số họ là thủ khoa, những thủ khoa rởm này nay đã bị lột mặt vì những gian dối có hệ thống.
Thật đáng sợ khi con số gian dối của 2 tỉnh này đã lên tới con số hàng trăm. Chỉ tính riêng tại Hòa Bình, những thí sinh có gian lận đã nộp hồ sơ đến 20 trường Đại học khác nhau.
Nhưng con số đáng buồn cho một kỳ thi với mong muốn tạo sự công bằng trong giáo dục.
Cũng như Hòa Bình, tại Sơn La, những thí sinh gian lận vẫn được giữ kín, không công bố với lý do đưa ra là tránh ảnh hưởng, tổn thương tâm lý đối với các thí sinh này.
Một lần nữa, một câu hỏi nhức nhối đặt ra cho những người làm giáo dục, có công bằng với những thí sinh đã bị những vị thần đồng rởm này tước mất cơ hội vào giảng đường đại học, cướp mất tương lai, cướp mất hi vọng?
Lý do tránh tổn thương có thể coi là một lý do rất nhân văn, thế nhưng ai sẽ trả lại công bằng cho hàng trăm em đã bị một “liên minh ma quỷ” cướp mất?
“Liên minh ma quỷ” ấy là ai, là phụ huynh của những người bạn cùng trang lứa, những người thầy người cô, những nhà làm giáo dục đã không giữ được mình trước sự cám dỗ của đồng tiền, quyền lực?
Những phụ huynh có thể tác động đến kết quả của kỳ thi cấp quốc gia phải có tiền, có quyền lực, có sức ảnh hưởng trong hệ thống giáo dục.
Trong những người đó có Vũ Trọng Lương, Phó phòng khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, là Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. (*)
Có lẽ danh sách những người có quyền, có tiền, có sự ảnh hưởng không dừng lại ở một vài cá nhân nếu công khai thí sinh vi phạm.
Chắc chắn rằng những gia đình bố mẹ nông dân, lao động thuần túy khó "có cửa" chạy cho con mình gian lận để vào trường này trường nọ.
Nhiều em đã phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để học lấy cái chữ với mong muốn có một tương lai tươi sáng hơn.
Không chỉ, bản thân các em, đằng sau đó là không ít hi vọng của cả gia đình, cả dòng họ.
Thế nhưng, các em bị cướp trắng trợn, kẻ cướp ấy bây giờ ẩn trong bóng tối với lý do nhân văn?
Đã có không ít những giọt nước mắt cay đắng của các em thí sinh ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La khi những người bạn cùng trang lứa với mình bằng gian lận đã trà đạp lên công sức học tập của các em.
Một em học sinh chuyên Hà Giang đã từng tâm sự với chúng tôi, chúng em học trên lớp thế nào, các bạn học tập ra sao chúng em biết khả năng của từng bạn một. Sự gian lận trắng trợn đã khiến chúng em mất niềm tin.
Không ít câu hỏi nhức nhối đang đặt ra với người làm giáo dục. Tại sao lại không công bố điểm sau chấm thẩm định của thí sinh?
Lý do nhân văn hay người ta đang sợ rằng khi công bố sẽ ra “ông nọ, bà kia” những người tai to mặt lớn, mạnh vì gạo, bạo vì tiền đi chạy chọt cho các con mình.
Trong bài viết, Không công bố điểm thí sinh ở Hòa Bình, có công bằng với thí sinh ở Hà Giang? Nhiều độc giả của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt câu hỏi, cho những người làm luật pháp rằng các cơ quan này sợ các em tâm lý hay bị bố mẹ các em mất ghế?
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cập nhật kết quả thi của các thí sinh; xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và thông báo kết quả cho các thí sinh liên quan; đồng thời, cung cấp thông tin về điểm thi của các thí sinh này cho Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an), các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên để cập nhật, rà soát kết quả xét tuyển sinh Đại học, Cao Đẳng năm 2018 đối với các thí sinh có liên quan.
Các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên liên hệ chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La để được cung cấp các thông tin liên quan; căn cứ thông tin được cung cấp để rà soát kết quả xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2018 của trường mình. Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học thuộc phạm vi quản lý thực hiện nội dung này.