Theo Diplomat, sự bành trướng đáng kinh ngạc của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông rộng gần 3,5 triệu km2 và ngay sau đó là các động thái quân sự hóa trái phép trong vài năm qua đã tạo nên một môi trường an ninh phức tạp. Giai đoạn khởi đầu của sự phức tạp đó được định hình dựa trên sự mở rộng và mối quan tâm địa chính trị, đặc biệt trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tờ NYTimes của Mỹ đã từng nhận định, Trung Quốc đã chiếm xong Biển Đông, sẵn sàng đánh Mỹ.
Phóng viên báo New York Times đã có dịp tháp tùng một chuyến bay tuần tra Biển Đông, ghi nhận Trung Quốc 'điên rồ' xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo trái phép trên 4 Đá Xubi, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Còn theo Scott N. Romaniuk, nhà nghiên cứu về an ninh toàn cầu và vai trò quân sự của Trung Quốc tại Viện Trung Quốc thuộc đại học Alberta, và Tobias Burgers, nghiên cứu sinh tại Viện Otto-Suhr ở Berlin (Đức), mặc dù có quan điểm cho rằng căng thẳng trong khu vực sẽ không tăng nhiệt vì Trung Quốc đã dừng các hành động mở rộng lãnh thổ trái phép về phía nam, song môi trường an ninh phức tạp trong khu vực có thể sẽ bước vào giai đoạn căng thẳng dâng cao và phức tạp mới trong năm 2019.
Các nhà nghiên cứu cho rằng giai đoạn mới có thể sẽ diễn ra khi Trung Quốc đẩy mạnh củng cố những gì mà nước này đã ngang nhiên giành được trên Biển Đông thông qua một loạt biện pháp, bao gồm việc sử dụng sức mạnh quân sự và chính trị, những lời đe dọa cứng rắn từ các cuộc tuần tra quân sự và bước nhảy vọt trong việc triển khai các máy bay trinh sát, các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường và hàng loạt khí tài quân sự.
Mặc dù Trung Quốc đang ở trong giai đoạn “im hơi lặng tiếng” khi tạm dừng chiếm thêm các thực thể trên Biển Đông, song cách hành xử của Bắc Kinh vẫn không che giấu được mục tiêu hòng đạt được sự bá quyền trong khu vực.
Việc Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích những hành động mà nước này cho là khiêu khích của Mỹ trên Biển Đông là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các thực thể do Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng trên Biển Đông và các lợi ích của Bắc Kinh tại khu vực này vẫn bị đe dọa. Hai chuyên gia dự đoán, nếu các mối đe dọa bên ngoài vẫn còn hiện hữu, Trung Quốc có thể sẽ còn tiếp tục tiến hành các hoạt động lấn chiếm và bồi đắp trên Biển Đông.
Hai nhà nghiên cứu Romaniuk và Burgers nhận định sau chiến dịch xây đảo ban đầu kéo dài gần 10 năm, giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông là củng cố và tăng cường năng lực quân sự tại những thực thể mà Bắc Kinh đã ngang nhiên chiếm được như đóng quân trên nhiều đảo nhỏ từng không có người ở, bao gồm bãi cạn Scarborough chiến lược — nơi nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ 225km.
Việc thiết lập các căn cứ quân sự đã góp phần hình thành “tam giác chiến lược” của Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã thực hiện hàng loạt động thái phi pháp như xây dựng các căn cứ không quân, triển khai các hệ thống trinh sát và hệ thống vận chuyển vũ khí, song tác động của những nỗ lực mang tính hệ thống này chưa đủ để tạo ra sự thay đổi đáng kể trên Biển Đông.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng các bãi đá ngầm và san hô hiện có lên tới hàng nghìn hecta, tuy vậy hiện diện quân sự và khả năng sẵn sàng tác chiến của Trung Quốc vẫn chưa đủ để nước này có thể giành quyền kiểm soát đối với toàn bộ Biển Đông. Quá trình này sẽ kéo dài hơn so với dự tính.
Hai chuyên gia dự đoán sự kết hợp của 3 yếu tố có khả năng làm gia tăng hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông trong thời gian tới: Thứ nhất là việc Trung Quốc trước đây mở rộng và ngày nay củng cố các thực thể trên Biển Đông, bất chấp xung đột với tuyên bố chủ quyền của các nước khác. Thứ hai là việc Mỹ tuyên bố duy trì nguyên tắc tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Thứ ba là việc Bắc Kinh “nuốt lời” khi từng hứa không tiếp tục phát triển các thực thể trên Biển Đông.
Trung Quốc lâu nay vẫn lấy cớ thực hiện các chiến dịch dân sự và cứu hộ để biện minh cho hoạt động xây dựng các cơ sở quân sự cũng như triển khai vũ khí trên Biển Đông, bao gồm các máy bay chiến đấu hiện đại, các tên lửa đất đối không, tên lửa đạn đạo chống hạm, công nghệ gây nhiễu. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình trước đây từng đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các thực thể tại vùng biển này.
Bắc Kinh từng đánh tín hiệu rằng các sứ mệnh gìn giữ hòa bình trong tương lai của Liên Hợp Quốc với sự tham gia của quân đội Trung Quốc sẽ cần tới các căn cứ quân sự trên Biển Đông. Tuy nhiên, đây thực chất là chìa khóa để Trung Quốc tăng cường năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập.
Theo dự đoán của các chuyên gia, trong bối cảnh không đủ khả năng theo kịp Mỹ về tất cả khía cạnh trong năng lực quân sự, ít nhất về mặt chất lượng, Trung Quốc có thể nhận ra rằng việc mở rộng hiện diện quân sự ra ngoài lãnh thổ là điều cần thiết để phô diễn sức mạnh. Đầu tư quân sự của Trung Quốc tiếp tục tăng và nước này chỉ có một “mặt trận” duy nhất để tập trung lực lượng, đó là Biển Đông.
Các chuyên gia nhận định những vụ việc như bắt giữ giám đốc tài chính Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, hay cuộc chiến thương mại dai dẳng với Mỹ có thể thu hút sự chú ý của dư luận, từ đó tạo ra “vỏ bọc” hữu ích để Bắc Kinh triển khai hoạt động trên Biển Đông. Những vấn đề gây xao lãng có thể trao cho Trung Quốc khoảng thời gian quý báu để nước này thiết lập ảnh hưởng quân sự mạnh mẽ hơn tại các thực thể sẵn có trên Biển Đông, thay vì tìm cách tăng cường các dự án lấn chiếm thêm.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể tính đến những biện pháp khác để khẳng định yêu sách phi lý ở phía nam, bao gồm thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực.
Brunei đã tăng cường liên kết kinh tế với Trung Quốc thông qua các thỏa thuận tài chính và thương mại. Nhờ vậy, Trung Quốc không chỉ bảo đảm được các lợi ích của mình, mà còn có thêm một đồng minh mà Bắc Kinh đang rất cần trong vấn đề Biển Đông. Đồng minh này có thể giữ im lặng hoặc xoay chiều theo lợi ích chiến lược của Trung Quốc.
Ngoài Brunei, Philippines cũng tăng cường quan hệ với Trung Quốc sau khi bị lôi cuốn bởi những lời hứa hẹn về lợi ích của Vành đai và Con đường. Chiến lược này của Trung Quốc không chỉ là công cụ chính trị mà còn là sáng kiến kinh tế phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh.