Vụ việc một nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng, lột quần áo và quay clip chia sẻ lên mạng xã hội đang gây bức xúc trong xã hội.
Chia sẻ với VTC News về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, việc thiếu khung hình phạt hình sự đối với lứa tuổi chưa thành niên cho thấy lỗ hổng trong quy định của pháp luật.
- Xung quanh vụ việc nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị nhóm bạn đánh hội đồng, đa số các ý kiến đều cho rằng cần phải trừng trị nghiêm khắc nhóm nữ sinh côn đồ. Tuy nhiên, luật pháp của chúng ta lại không có quy định xử lý hình sự đối với lứa tuổi chưa thành niên, thưa ông?
Trước đây, khi Quốc hội xây dựng Bộ luật Hình sự, bản thân tôi cũng rất gay gắt về ý kiến không được bỏ những quy định phải xử lý trẻ em đủ 12 đến dưới 14 tuổi, bởi vì quy định này có tính chất răn đe.
Tranh luận về việc này cũng rất nảy lửa trên hội trường và trên nhiều diễn đàn, Quốc hội lúc đầu bỏ phiếu với gần 70% ý kiến tán thành với quy định này. Nhưng sau nhiều vận động, cuối cùng Quốc hội lại bỏ phiếu bỏ quy định này đi.
Tôi cho rằng đây là sự dễ dãi, không có tính toán và rất thiếu cân nhắc trong việc bỏ quy định xử lý trẻ em từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi. Bởi có thể nói rằng chúng ta có thể xử lý về mặt hình sự ở độ tuổi này được rồi, kể cả với các tội phạm ít nghiêm trọng.
Những quy định này được xây dựng trước hết sẽ có tính răn đe cao hơn, còn xử lý thế nào thì đó là vấn đề khác.
Nhiều người cho rằng việc xử lý hình sự là ảnh hưởng, gây tổn thương với trẻ em, tôi cho rằng tất cả những ý kiến đó có thể gọi là “đạo đức giả”.
Kể cả Hội bảo vệ quyền lợi của trẻ em cũng nói nếu để trẻ em gặp công an thì trẻ sẽ bị tổn thương này khác, tôi cho rằng điều đó không có căn cứ khoa học và đều là cảm tính hết.
Chính vì vậy, đồng chí Chánh án Toà án nhân dân tối cao khi tranh luận cũng đứng lên và nói, vấn đề tòa án có xử lý hay không là vấn đề khác, còn quy định là có tính chất răn đe và chúng ta có biện pháp giáo dục ngay từ ban đầu.
Có thể nói pháp luật chúng ta đã bỏ đi điều dự liệu nên hậu quả hiện nay trẻ em ở lứa tuổi này không e ngại để mà dễ dàng va chạm, tấn công lẫn nhau.
Tôi cho rằng đây là một lỗ hổng lớn của pháp luật mà có thể trong một số năm chúng ta không dễ dàng khắc phục được.
Nếu chúng ta có quy định này, chúng ta giáo dục ngay từ ban đâu, đưa nó vào chương trình giáo dục, gia đình sử dụng nó để giáo dục, các hội dùng nó để giáo dục, người người giáo dục thì tôi nghĩ giá trị của nó sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc không có quy định này trong Bộ luật Hình sự.
- Vậy với vụ việc ở Hưng Yên, theo ông nên xử lý thế nào?
Với vụ việc ở Hưng Yên, tôi cho rằng nó cũng giống như những vụ việc trẻ em, học sinh đánh nhau ở các vùng khác.
Ở lứa tuổi dưới 16 tuổi là lứa tuổi rất hiếu động mà các em chưa có đủ khả năng để cân nhắc một cách đầy đủ các vấn đề, nhưng hiện giờ các em đã phát triển về mặt thể chất tương đối so với ngày xưa.
Thứ hai các em đã có giao tiếp xã hội rồi, mà đã có giao tiếp xã hội thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước xã hội.
Chúng ta không có quy định xử lý thì vấn đề như của trẻ em Hưng Yên rồi trẻ em ở các nơi khác, dùng gạch đập vào đầu nhau, đánh nhau, đánh hội đồng, lột quần áo, làm nhục nhau... chúng ta không có cơ sở pháp lý để xử lý.
Tôi nghĩ việc xử lý không phải là ngày một ngày hai, hay là câu chuyện Bộ trưởng phải xuống tận trường để làm việc, điều này không cần thiết. Đây phải là câu chuyện dài hơi, có bài bản, chứ không phải là cứ có vụ nào rồi lại tập trung vào xử lý vụ ấy thì những vụ khác phải tính sao?
Tất cả chúng ta đang chỉ thực hiện xử lý vụ việc theo kiểu “chợ chiều”, theo kiểu “ăn đong” thôi chứ không phải xử lý theo hướng bài bản, có tính chất khoa học, có hệ thống.
- Nữ sinh bị bạn đánh hội đồng sẽ phải đối mặt với những hậu quả, tác động thế nào?
Đương nhiên mọi người đều dễ dàng hình dung được sự ảnh hưởng của nó. Đầu tiên đó là việc xâm hại đến thân thể, đến thể xác và có thể đến tính mạng của con người. Biết đâu các em uất ức lên quyên sinh thì sao?
Bị lột đồ như vậy dễ có tâm lý thấy nhục, đến bao giờ người ta có thể xóa đi tổn thương về mặt tinh thần?
Tôi nói rằng tuổi này như tờ giấy trắng, các em sẽ ghi mãi trong đời là có một lần bị làm nhục như thế. Nó đau đớn lắm. Chúng ta là những người ở bên ngoài thôi nhưng nghĩ đến câu chuyện nó như con cái mình thì cũng đau đớn vô cùng.
- Trong câu chuyện bạo hành học đường ở Hưng Yên, dư luận còn phẫn nộ với hành vi được cho là bao che của giáo viên khi yêu cầu các em xóa ngay các clip và không được thông tin ra ngoài?
Nhà trường cho rằng đó là vết nhơ với nhà trường nên giấu nhẹm đi, đến bây giờ Hiệu trưởng cũng đã bị đình chỉ công tác. Có thể nói rằng ý thức của thầy cô cũng kém.
Một người đã được giáo dục bài bản về tình yêu thương học trò, về ý thức công dân, làm cán bộ nhà nước rồi... mà không hề gương mẫu một chút nào.
Đây là bệnh thành tích trong giáo dục, bệnh thành tích không chỉ trong vấn đề giảng dạy, điểm chác mà ngay cả vấn đề bao che tệ nạn ở trong nhà trường.
Rồi với xã hội, cả một tỉnh như thế chúng ta xem công tác giáo dục chính trị tư tưởng của cấp ủy, của chính quyền địa phương đối với ngành giáo dục và đối với các ngành khác như thế nào. Liệu ngành giáo dục như thế thì các ngành khác có hay không?
Tôi cho rằng từ vụ việc này có thể suy ra rộng rất nhiều những vấn đề chúng ta cần phải xem xét chứ không phải chúng ta cứ bàn nhiều về những vấn đề phát triển kinh tế xã hội, nhà cao cửa rộng, rồi đường sá… Đây là những vấn đề về mặt nhân quyền được Hiến pháp bảo về.
Quyền con người là vô cùng quan trọng nên chúng ta phải đặt nó ở vị trí hàng đầu và cần phải ưu tiên.
Con người ta có hạnh phúc hay không không phải chỉ ở miếng cơm manh áo mà còn ở danh dự, nhân phẩm, ở cách cư xử của người này đối với người khác, thái độ tôn trọng của xã hội và một nền học vấn, một nền văn hóa, nền giáo dục.
Đây là vấn đề tôi cho rằng cần phải được xem xét để tránh tình trạng coi thường con người, xem thường những vấn đề chưa đền mức độ chết người, bởi đôi khi những thứ có vẻ như chưa đến mức độ chết người còn đau đơn hơn cả việc xảy ra những việc có vẻ như lớn hơn.
Xin cảm ơn ông!