Khu vực thiệt hại gây ra cho vùng biển xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc trên rạn san hô Đá Vành Khăn ở Biển Đông rộng gấp 200 lần so với diện tích của hòn đảo này - 1200 km2 so với 5,58 km2, các tác giả bài báo trên Scientific Reports cho biết.
Để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, Trung Quốc đang tích cực xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông để bố trí cơ sở quân sự. Theo ước tính được đưa ra trong bài báo, trong giai đoạn 2013-2015, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã xây đắp khoảng 12,95 km2 lãnh thổ mới trên biển. Bầu không khí chính trị căng thẳng ở khu vực này không cho phép đánh giá tình hình môi trường trên bề mặt, gần các đảo mới, nhưng sử dụng dữ liệu vệ tinh, chúng ta có thể kiểm tra từ xa các khu vực này để biết thiệt hại môi trường.
Ông Leland Smith từ Đại học Georgetown và các đồng nghiệp đã nghiên cứu rạn san hô Đá Vành Khăn ở phần phía Đông của Biển Đông, nơi Trung Quốc xây hòn đảo nhân tạo có diện tích khoảng 5,58 km2, trên đó họ đã làm đường băng và dựng các tòa nhà. Ngày bắt đầu và kết thúc xây hòn đảo không được biết, vì vậy các nhà khoa học đã dựa vào kho lưu trữ hình ảnh vệ tinh Landsat, Aqua và Sentinel do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ thu thập. Đánh giá bằng những hình ảnh này, có thể thấy rằng, năm 2014, rạn san hô chưa có phần bề mặt, năm 2015, sau khi bắt đầu bồi đắp, phần trên mặt nước nổi lên và các tòa nhà trên đảo chỉ mới xuất hiện vào năm 2016.
Tổng diện tích mặt biển bị ảnh hưởng bởi hoạt động tạo đảo được ước tính khoảng 1.200 km2, mặc dù tác động trong khu vực này không đồng đều.
Ngoài ra, ban đầu, việc xây dựng hòn đảo có thể kích thích sự phát triển của thực vật phù du, nhưng sau khi hoàn thành công việc, tình trạng hệ sinh thái đã xấu đi đáng kể, và trong bán kính ít nhất 2 km từ ranh giới ngoài của rạn san hô, hiệu ứng này vẫn tồn tại từ năm 2016 đến 2018.
Các tác giả của bài báo lưu ý rằng ý nghĩa địa chính trị của thiệt hại môi trường do việc xây đảo mới có thể rất lớn, vì Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines đều tuyên bố chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật Biển Đông. Sự phá hủy rạn san hô khi xây đảo nhân tạo không chỉ khiến cho hệ sinh thái địa phương, mà cả các loài cá có giá trị thương mại cũng sẽ bị diệt vong. Điều này thậm chí có thể khiến cho tình hình địa chính trị trong khu vực trở nên phức tạp hơn.
Các nhà khoa học cho rằng công việc của họ là nỗ lực đầu tiên để định lượng thiệt hại từ quá trình này. Đây cũng là cơ sở cho cuộc thảo luận khoa học về hậu quả của việc xây đảo nhân tạo trong khu vực.