Ngày 8/4, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết tàu ngầm Trường Sa 02 đã dần thành hình khi phần thân tàu đã được hoàn thiện và tiến hành các công đoạn sơn thân vỏ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hòa, tàu Trường Sa 02 lớn hơn tàu Trường Sa 01 khá nhiều, vì thế trong quá trình hoạt động sản xuất cũng có nhiều khó khăn. Trước đây ông Hòa đã có thể thu gọn công nghệ AIP và trang thiết bị cần thiết khác cho tàu Trường Sa 01.
Khi tiến hành với chiếc tàu có kích cỡ lớn hơn như Trường Sa 02, ông Hòa tiếp tục nghiên cứu và thay đổi công nghệ AIP này một lần nữa với những bước tính nâng cao chất lượng hơn. Và những sự thay đổi này đều cần có các bước thử nghiệm thật sự cẩn thận và chi tiết.
Thứ hai, với kích cỡ lớn hơn, phần chịu lực của thân vỏ tàu ngầm cũng phải được tính toán cụ thể, thử nghiệm với từng bộ phận, từng mối hàn. Ngoài ra, động cơ vận hành cho tàu ngầm Trường Sa 2 cũng phải có thay thế từ chân vịt và bộ dẫn lái, dẫn động đều phải thay mới cho phù hợp với kích thước mới.
Chế tạo phần vỏ đầu tàu ngầm
Theo ông Hòa, đó đều là những khó khăn mà phải thực sự rất kiên nhẫn mới có thể khắc phục được. Ngoài ra, ông Hòa và đội ngũ kỹ sư, công nhân của công ty Cơ khí Quốc Hòa cũng phải thực hiện các dự án khác để đảm bảo cuộc sống, thu nhập, thời gian rảnh rỗi mới có thể dồn tâm huyết vào chiếc tàu ngầm này.
"Chúng tôi vẫn đang phải tự lo chi phí cho việc đóng chiếc tàu ngầm này. Phải nói rằng tàu Trường Sa 01 và Hoàng Sa đã ngốn của tôi rất nhiều tâm huyết, tiền bạc. Tuy nhiên, tôi và những nhân viên của mình có kiên nhẫn, và chúng tôi đang từng bước thành công" - ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hòa cho biết hiện chưa thể hẹn ngày xuất xưởng và có cuộc thử nghiệm đầu tiên trên biển được.
"Tôi vẫn đang làm từng bước, ví dụ khi công việc kinh doanh có chút lợi nhuận, tôi mới có thể dồn vào làm tàu ngầm. Nay đủ tiền mua bộ chân vịt, mai đủ tiền mua hệ thống định vị, radar, sóng âm... Mỗi thứ từng chút một như thế cho đến khi hoàn thiện tàu ngầm thì thôi".
Ông Hòa cho biết thêm, thời gian tới sẽ phải tập trung toàn bộ nhân lực vào một dự án máy tự động xuất khẩu cho các đối tác Nhật Bản, vì thế việc chế tạo chiếc tàu ngầm này cũng phải tạm hoãn trong thời gian ngắn.
"Trở ngại lớn nhất là tài chính, còn công nghệ, tôi tự tin đã làm chủ trong tay. Vì thế tôi cứ làm dần từng bước một thôi. Khát vọng lớn nhất là tàu ngầm Trường Sa 02 phải bơi được đến đảo Trường Sa. Tôi sẽ làm được điều ấy".
Tàu ngầm Trường Sa 02 dài 9m, nặng 22 tấn, chiều cao bên trong thân tàu là 1,8m, sức chứa tối đa thủy thủ đoàn 6 người. Tàu ước tính có vận tốc 35km.h, lặn sâu 250m và tầm hoạt động 3.000 km.
Tàu được thi công bằng phương pháp phân chia các hạng mục vỏ tàu, sau khi hoàn thiện từng hạng mục sẽ tiến hành ráp nổi. Tàu Trường Sa 02 sẽ có động cơ và trang thiết bị điện tử hiện đại nhập từ nước ngoài, hiệu chỉnh cho phù hợp với thiết kế và tính năng của con tàu.
“Trường Sa 2 là mẫu tàu ngầm mini có thiết kế, cấu hình cơ bản. Sau khi hoàn thành, tàu sẽ tùy thuộc vào mục đích sử dụng của khách hàng để thêm các tính năng cần thiết”, ông Hòa nói và cho biết chi phí hoàn thiện con tàu này có thể gấp nhiều lần những phiên bản trước.