Tại họp báo thường kỳ chiều 11-4 ở Hà Nội, báo chí đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước các thông tin trên mạng xã hội những ngày qua rằng giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB của Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông, "đi vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam", tại khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Trả lời câu hỏi này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết:
"Các cơ quan chức năng Việt Nam đang xác minh thông tin như vừa nêu".
Bà Hằng thông tin thêm thêm rằng Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lý lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong Vịnh Bắc Bộ, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.
"Hai nước có trách nhiệm tuân thủ ngiêm túc quy định của hiệp định trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, vì lợi ích của mỗi nước, vì hoà bình, ổn định ở khu vực Biển Đông", Người phát ngôn nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, báo chí Trung Quốc và các tờ báo quốc tế không đề cập tới thông tin giàn khoan Đông Phương 13-2 CEFB của Trung Quốc 'đi vào thềm lục địa của Việt Nam', trong khi các nguồn tin cho biết giàn khoan này chỉ đến khu vực phía Trung Quốc.
Hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc hôm 7-4 đưa tin Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan sản xuất dầu khí xa bờ lớn thứ hai là Đông Phương 13-2 CEFB vào bồn trũng Yinggehai (Oanh Ca Hải) ở vịnh Bắc Bộ vào ngày 10-4.
Tân Hoa xã cho biết giàn khoan nổi này đã được đóng xong vào đầu tháng 4 tại tỉnh Quảng Đông bởi tập đoàn Châu Hải COOEC.
Trong khi đó, các nội dung lan truyền trên mạng xã hội Facebook cho rằng giàn khoan này "sẽ đi vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam", thậm chí dẫn lại nguồn tin từ Reuters. Tuy nhiên, Reuters và các nguồn tin quốc tế khác không hề đề cập tới thông tin này.
Trước đó, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hôm 3-4 thông báo giàn khoan trên sẽ được triển khai tại giếng Đông Phương 13-2 ở biển Đông từ ngày 6 đến 10-4. Vị trí này nằm bên phía Trung Quốc ở đường phân định Vịnh Bắc Bộ được quy định trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc ký kết vào năm 2000.
Mạng xã hội Weibo của Trung Quốc ngày 11-4 cũng đăng tải lại một số hình ảnh, cho rằng giàn khoan này được triển khai tới khu vực phía Trung Quốc bên đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
Hiện không có nguồn tin từ các các tờ báo tiếng Anh và tiếng Trung Quốc nào cho biết đường đi của giàn khoan trên. Hôm nay 11-4, tức đã hơn một ngày so với bản tin Tân Hoa xã đề cập, không rõ giàn khoan Đông Phương 13-2 CEFB đã tới khu vực bồn trũng Oanh Ca Hải hay chưa.
Đông Phương 13-2 CEFB nặng 17.247 tấn, tương đương với khối lượng của 10.000 chiếc xe hơi thông thường và rộng bằng một sân bóng đá.
Là giàn khoan trung tâm trong nhóm giàn khoan tại giếng Đông Phương 13-2, giàn khoan Đông Phương 13-2 CEFB dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6.
Theo Tân Hoa xã, giàn khoan này sẽ giúp cải thiện đang kể khả năng sản xuất khí tự nhiên ở giếng Đông Phương 13-2, với 2,6 tỉ mét khối khí tự nhiên mỗi năm, cung cấp đủ năng lượng sạch cho khu vực Quảng Đông - Hong Kong - Ma Cao.