Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23/4 đã tiến hành phiên thảo luận mở cấp cao về “Bạo lực tình dục trong xung đột.”
Ông Heiko Maas, Ngoại trưởng Đức - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên tháng Tư của Hội đồng Bảo an, chủ trì phiên thảo luận.
Hơn 80 quốc gia thành viên đã tham gia phiên thảo luận, lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực tình dục như một loại vũ khí chiến tranh và khủng bố; cam kết và kêu gọi dành sự ủng hộ, hỗ trợ lớn hơn cho các nạn nhân, cả về y tế, tâm lý và pháp lý.
Các nước đã chia sẻ các biện pháp và kinh nghiệm như nâng cao nhận thức, xây dựng bộ chỉ số cảnh báo sớm, tăng cường đào tạo về chống bạo lực tình dục cho các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bồi thường và tái hòa nhập cho nạn nhân, thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền và hỗ trợ phát triển cho phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột.
Kiến tạo mạng lưới nữ giới gìn giữ hòa bình toàn cầu: Liệu có khả thi?
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh công lý và hỗ trợ các nạn nhân là hai thành tố thiết yếu trong đấu tranh chống bạo lực tình dục trong xung đột.
Trong thập kỷ qua, kể từ khi thành lập Văn phòng Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về bạo lực tình dục trong xung đột, đã có những chuyển đổi mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng quốc tế về vấn đề này cùng những tác động tới hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực, bạo lực tình dục vẫn tiếp diễn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em gái, làm trầm trọng thêm tình hình xung đột, dập tắt những triển vọng hòa bình.
Tình hình này đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, trong đó đẩy mạnh khía cạnh phòng ngừa, tăng cường hỗ trợ các nạn nhân và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong việc điều tra và khởi tố, mang lại công lý cho nạn nhân và bảo đảm những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ quan ngại về tình trạng tiếp diễn bạo lực tình dục trong xung đột, cũng như những tác động tiêu cực, sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với nạn nhân và những trẻ em sinh ra do bạo lực tình dục trong xung đột.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh song song với việc thúc đẩy ngăn ngừa xung đột để xử lý gốc rễ vấn đề, cộng đồng quốc tế cần những hành động và biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu tình trạng này.
Đại sứ hoan nghênh những tiến triển đạt được trong các nỗ lực thúc giục các bên tham gia xung đột đưa ra cam kết cụ thể về ngăn ngừa và xử lý bạo lực tình dục.
Chia sẻ cách tiếp cận toàn diện trong vấn đề này, Đại sứ Đặng Đình Quý đề xuất các ưu tiên về nâng cao nhận thức, chấm dứt mọi kỳ thị và định kiến xã hội đối với các nạn nhân, tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan để nâng cao hiệu quả hỗ trợ nạn nhân, trong đó các quốc gia có vai trò và trách nhiệm chính yếu, đồng thời tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ.
Đại sứ nêu bật quan điểm của Việt Nam ủng hộ tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình cũng như vai trò của phụ nữ trong phát triển văn hóa hòa bình, giúp lan tỏa các giá trị nhân văn, góp phần xây dựng hòa bình và phát triển bền vững.
Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực ngăn chặn và chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột./.