Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Vinh nói sau hơn 40 năm qua tính từ sau chiến tranh, có thể thấy hai nước Việt Nam - Mỹ từ cựu thù đã cùng nhau hàn gắn và hỗ trợ nhau hàn gắn vết thương chiến tranh.
Dấu mốc quan trọng là năm 1994 - 1995 khi phía Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam và tới năm 1995, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau đó, trên cơ sở song trùng lợi ích, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển trên các lĩnh vực. “Tôi cho rằng, mối quan hệ Việt - Mỹ tới nay không chỉ chất “toàn diện” gia tăng mà có cả chất “chiến lược” trong đó”, đại sứ Vinh nói.
* Khi bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Mỹ, trả lời câu hỏi là sự hiểu nhau giữa Việt - Mỹ đã thấu đáo chưa, ông đã nói rằng “hiểu thì có nhưng thấu đáo thì chắc là chưa”. Vậy sau nhiệm kỳ đại sứ của mình, ông nhận thấy sự “hiểu nhau” giữa hai nước đã tiến triển thế nào?
- Năm 2015, khi tôi nói “có hiểu nhưng thấu đáo thì chắc là chưa” là có ý đề cập đến những khác biệt như thể chế chính trị xã hội, từ đó quan niệm thế nào là dân chủ, thế nào là nhân quyền, thế nào là phát triển xã hội, thế nào là tôn trọng người dân… còn có những khác biệt.
Quá trình quan hệ, hiểu biết và hợp tác lẫn nhau là một sự tiệm tiến liên tục, càng mở rộng hợp tác, càng mở rộng quan hệ trong càng nhiều lĩnh vực, không chỉ song phương mà mở rộng ra khu vực và quốc tế, càng nhiều những chuyến viếng thăm… thì sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng gia tăng.
Đương nhiên trong quan hệ, cái khác biệt do trình độ phát triển, do lịch sử văn hóa xã hội rồi thể chế chính trị vẫn còn, nhưng mấu chốt là hai bên đã hiểu được nhau.
Trong chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào tháng 7.2015, hai bên đề ra nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ, trong đó có nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau cùng với việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. Điều này thể hiện một bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước.
* Nhiều ý kiến đã nhận định rằng quan hệ Việt - Mỹ thực chất đã đạt tới mức độ “đối tác chiến lược”, nhưng theo ông để đi đến một tên gọi chính thức thì còn trở ngại nào nữa không?
- Trong nhiệm kỳ làm đại sứ tại Mỹ, tôi thấy rằng dù tên gọi như thế nào thì chất “chiến lược” trong quan hệ Việt - Mỹ đã có rồi, và hy vọng rồi đây 2 nước có thể đặt cho mối quan hệ cái tên trong đó có chữ “chiến lược”.
Tuy nhiên trong câu chuyện mở rộng và phát triển quan hệ giữa hai nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng thể chế chính trị của nhau có 2 vấn đề luôn luôn phải lưu ý. Đó là nỗi đau của cuộc chiến mà hai bên phải tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau, trong đó có những hậu quả rất nặng nề về con người, môi trường trên đất nước Việt Nam. Thứ hai, nước nào cũng vậy thôi, cũng có những lợi ích song trùng và có những lợi ích khác biệt.
Trong mối quan hệ Việt - Mỹ, như tôi đã nói cái khác biệt vẫn có thì việc tôn trọng, hiểu biết xử lý khác biệt đó thông qua đối thoại là rất quan trọng.
* Liệu sự tăng chất trong mối quan hệ với Mỹ có lấn cấn gì không khi trong lịch sử chúng ta không ít lần phải cân nhắc xử lý trong mối quan hệ với các nước lớn?
- Cá nhân tôi không thích dùng khái niệm chính sách đối ngoại của Việt Nam là “cân bằng” quan hệ với các nước lớn. Việc nhấn đối tác như là mục tiêu của đối ngoại là không đúng. Tư tưởng và chiến lược đối ngoại của Việt Nam chúng ta là lợi ích quốc gia, là độc lập, tự chủ, làm bạn, đối tác tin cậy với các nước, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ. Theo đó, chúng ta muốn làm bạn với tất cả, đặc biệt là láng giềng và các nước lớn chứ không nên vì đối tác này, khó với đối tác kia, hay ngược lại.
Tôi cho rằng, trong các cặp quan hệ song phương của mình với các nước thì điều quan trọng là lợi ích quốc gia và sự song trùng lợi ích, khả năng tiến được đến đâu hãy tiến đến đó. Chúng ta luôn nhất quán quan hệ đối ngoại bạn bè với các nước, không nhằm thù địch với nước này hay nước kia. Còn có ai đó chưa hiểu hay cố tình hiểu nhầm thì phải giải thích thôi.
* Chúng ta đang nói nhiều tới những hợp tác ở tầm vĩ mô giữa 2 nước. Còn sự thay đổi thực chất này thể hiện qua những câu chuyện, con người cụ thể ra sao, thưa ông?
- Nhiều người làm về quan hệ Việt - Mỹ đều có thể nhận thấy chính những cựu binh Mỹ nằm trong số những người đầu tiên quay trở lại Việt Nam, để làm điều gì đó nhằm giúp 2 bên vượt qua nỗi đau chiến tranh, thúc đẩy quan hệ.
Chúng ta biết tới Pete Peterson (đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam sau 1975 - PV), John Kerry (Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2013 - 2017), John McCain (thượng nghị sĩ Mỹ)… đều là những cựu binh chiến tranh Việt Nam.
Từ những năm 1980 họ đã quay trở lại Việt Nam và song hành với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, họ cũng chính là những người góp phần làm cho dư luận Mỹ vượt qua được nỗi ám ảnh về cuộc chiến với Việt Nam, tạo sự đồng thuận trong chính trường Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Có lẽ những người trực tiếp tham gia cuộc chiến thì còn nhớ hằng ngày. Nhưng rất nhiều người Mỹ bây giờ nói về một Việt Nam khác. Tôi rất nhớ câu cả phía Việt Nam và phía Mỹ hay nói là: Trước đây biết đến Việt Nam chỉ biết tới một cuộc chiến tranh, nay biết một dân tộc, một quốc gia. Nhưng có một thứ còn tồn tại là khi cứ mỗi lần nước Mỹ định phát động một cuộc chiến tranh nào thì họ đều nghĩ tới cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là liệu có tham chiến hay không? Quyền của các cơ quan trong bộ máy quyền lực của Mỹ là quốc hội và tổng thống như thế nào? Như vậy, bài học Việt Nam vẫn còn ấn tượng với nước Mỹ.