Liên tục những vụ vận chuyển cả tấn ma túy vừa bị bắt giữ tại TP.HCM, Nghệ An, Hà Tĩnh... khiến dư luận trong nước rúng động, thế nhưng theo đánh giá của lực lượng chức năng, đó chỉ là những mắt xích trong một đường dây ma túy quốc tế.
Trả lời PV Thanh Niên, đại tá Vũ Văn Hậu, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), nói cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy không của riêng quốc gia nào, mà là cuộc đấu tranh chung.
Tại VN, lực lượng công an xác định đây tiếp tục là cuộc chiến không khoan nhượng, chấp nhận khó khăn, gian khổ hơn, thậm chí là hy sinh.
Tội phạm ma túy nghiên cứu cả... công an
Thưa đại tá, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta bắt hàng loạt vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn, có khi lên tới cả tấn. Vì sao có tình trạng này?
Trong quý 1/2019, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tấn công, bóc gỡ các đường dây ma túy lớn, phối hợp với các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, TP.HCM hiệp đồng khám phá nhiều chuyên án. Cho tới ngày 24.4, đã thu giữ 3,2 tấn ma túy tổng hợp và trên 1.000 bánh heroin. Có thể nói, trong thời gian rất ngắn nhưng lượng ma túy thu giữ là kỷ lục từ trước tới nay.
Đông Nam Á được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những khu vực phức tạp nhất về vấn nạn ma túy. Đặc biệt, chúng ta lại gần các trung tâm ma túy lớn như Trăng Lưỡi Liềm Vàng (khu vực được hình thành chủ yếu trên biên giới các nước Afghanistan, Pakistan, Iran… và một phần nhỏ diện tích lãnh thổ của các quốc gia Trung Á - PV), Tam Giác Vàng (khu vực giáp ranh 3 nước Lào - Thái Lan - Myanmar) là áp lực lớn với chúng ta. VN cũng có đường biên giới trên bộ, trên biển rất dài, giáp với cả Trung Quốc, Lào, Campuchia, cũng là các quốc gia phức tạp về tội phạm ma túy. Trong khi đó, khả năng đấu tranh, phát hiện từ xa thì còn ở mức độ. Việc hợp tác quốc tế có cố gắng nhưng mỗi nước có đặc trưng riêng nên hiệu quả còn chưa thật cao. Tội phạm ma túy lại lợi dụng chính sách nhân đạo của ta, sự thông thoáng trong giao thương... để hoạt động. Thực tế trong các chuyên án vừa qua, tội phạm ma túy đã lợi dụng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hợp pháp để ngụy trang, mua bán vận chuyển ma túy với số lượng lớn vào VN và đi sang nước thứ 3.
Vừa qua, chúng tôi đã phá những đường dây như thế, nhưng cũng xác định đây là mới chặt đứt 6 mắt xích tại VN, còn dây xích ấy từ nước ngoài và đối tượng chủ mưu, cầm đầu ấy nằm ở nước ngoài và với tiềm lực về vốn, kinh nghiệm và thị trường thì chúng không bó tay và sẽ tiếp tục tổ chức đường dây khác, với địa bàn khác. Cuộc đấu tranh này chúng tôi xác định tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng, chấp nhận khó khăn gian khổ hơn, thậm chí là hy sinh.
Trước đây, những vụ ma túy lớn bị bắt giữ chủ yếu nằm ở các tỉnh phía bắc, nay lại xảy ra ở các tỉnh miền Trung và phía nam. Như khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã xuất hiện những vụ vận chuyển cả tấn ma túy, điều vốn chưa từng có từ trước tới nay. Đây có phải là sự dịch chuyển của tội phạm ma túy, hay còn nguyên nhân nào khác?
Trên các tuyến biên giới, đặc biệt là biên giới Việt - Lào vốn rất phức tạp về mua bán, vận chuyển ma túy. Khi lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các địa phương tấn công mạnh vùng Tây Bắc, như Điện Biên, Sơn La, đặc biệt là xóa bỏ được một số tụ điểm lớn như vừa qua, thì chúng đã chùn tay, nhưng các đường dây khác thì không.
Đương nhiên, khi đánh mạnh nơi này thì tội phạm sẽ dịch chuyển sang nơi khác. Khi chúng tôi tấn công tiêu diệt các "lô cốt ma túy" ở Tây Bắc, thì chúng tôi biết ngay rằng phải có một phương án khi tội phạm ma túy chuyển địa bàn. Tội phạm ma túy rất phức tạp, khi chúng tôi nghiên cứu phương thức thủ đoạn và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn với chúng, thì chúng cũng nghiên cứu lại chúng tôi để đối phó.
Kiên quyết không để VN trở thành nơi trung chuyển ma túy
Có thông tin cho rằng hầu hết các vụ vận chuyển ma túy lớn mà chúng ta đã triệt phá vừa qua đều thuộc một đường dây?
Qua các chuyên án vừa qua, chúng tôi chứng minh ma túy đi bằng rất nhiều nguồn, nhiều con đường khác nhau để tập kết ở VN. Cũng không phải chỉ ở biên giới Lào mà chỗ nào thuận lợi là chúng đi qua nơi đó. Nguồn ma túy, như tôi nói lúc đầu vẫn là ở trung tâm sản xuất lớn nhất khu vực: Trăng Lưỡi Liềm Vàng và Tam Giác Vàng. Chúng tôi có cơ sở để chứng minh tất cả các vụ này nằm trong một đường dây lớn, Cục và các địa phương đã chặt đứt 6 mắt xích lớn, nằm trong đường dây vận chuyển về, và đối tượng chủ mưu chủ yếu là người Trung Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, cụ thể như thế nào chúng ta sẽ tiếp tục điều tra làm rõ.
Cùng chung một đường dây nhưng lại do công an nhiều địa phương điều tra, liệu có gặp khó khăn trong hoạt động điều tra cũng như hiệu quả về công tác phòng chống tội phạm, thưa đại tá?
Luật quy định khi vụ án xảy ra ở tại địa phương nào thì công an địa phương đó sẽ điều tra. Chuyên án vừa qua thì Hà Tĩnh, Nghệ An, TP.HCM và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Bộ Công an) đã trực tiếp điều tra thụ lý các vụ án đó. Cục, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chỉ đạo cao nhất có trách nhiệm chỉ đạo, xâu chuỗi, kết nối các hoạt động điều tra, chứ không rời rạc, mặc dù đứng đầu hồ sơ khởi tố vụ án là công an từng địa phương.
Như đại tá nói, chúng ta chỉ chặt được từng mắt xích của đường dây, điều này ví như chúng ta chỉ triệt xóa được phần ngọn. Có cách thức, biện pháp nào để hiệu quả hơn?
Cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy không của riêng quốc gia nào, mà là cuộc đấu tranh chung. Thực tế đường dây đều có dấu hiệu liên quan đến các nước trong khu vực, chứ không chỉ riêng nước ta. Đường dây có đối tượng chủ mưu là người Trung Quốc, Đài Loan, đường đi xuất phát từ Thái Lan qua Lào, Campuchia để vào VN và tiếp tục đi các nước khác.
Khi phá chuyên án 218LP (bắt hơn 300 kg ma túy được chở bằng xe bán tải ở địa bàn Q.Bình Tân, TP.HCM - PV), chúng tôi đã thông báo kịp thời cho Đài Loan và Philippines để thu giữ hàng trăm ki lô gam ma túy nữa. Chúng tôi cũng đang tích cực hợp tác quốc tế, phối hợp với các nước để trao đổi thông tin, bắt giữ các đường dây nóng về ma túy. Đó là mong muốn, còn thực tiễn mỗi quốc gia, mỗi nơi có một điều kiện riêng, dù rất cố gắng nhưng hiệu quả như mong muốn là rất khó.
VN được Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế đánh giá cao về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Lãnh đạo Bộ Công an cũng đã chỉ đạo chúng tôi sớm nghiên cứu để có các hội nghị quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, cũng như kết nối nhằm ngăn chặn ma túy vào VN. Chúng ta kiên quyết không để VN trở thành nơi trung chuyển ma túy, bằng cách bắt giữ không khoan nhượng bọn tội phạm sử dụng lãnh thổ, địa bàn VN, hay lợi dụng hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp để vận chuyển ma túy sang nước khác.