Sau 4 ngày xảy ra vụ cháy nhà kho chứa tài liệu xe buýt của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM - gọi tắt là Trung tâm, thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM - trên đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM), dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi: Một kho tài liệu quan trọng như vậy sao lại dễ dàng bị cháy? Liệu vụ cháy tài liệu này có ảnh hưởng đến việc quyết toán số tiền hàng ngàn tỉ đồng trợ giá xe buýt nhùng nhằng từ bao năm qua?..
Bảo quản quá sơ sài
Để trả lời câu hỏi đầu tiên mà dư luận đặt ra thì phải nhắc lại buổi chiều 4/5, khi nhóm phóng viên chúng tôi là người đầu tiên hay tin và tìm đến hiện trường vụ cháy. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh toàn bộ khung sắt, mái tôn của nhà kho rộng khoảng 1.000 m2 bị kéo sập, cả núi tài liệu biến thành tro, một số cháy nham nhở còn sót lại... Nhìn hiện trường vụ cháy, ai cũng dễ dàng nhận thấy kho chứa tài liệu xe buýt này được xây dựng và bảo quản hết sức sơ sài.
Cũng trong buổi chiều đến hiện trường ấy, chúng tôi chứng kiến nhiều ụ khói vẫn còn bốc lên dù vụ cháy xảy ra từ khoảng 21 giờ ngày 2/5. Lo sợ đám cháy có thể bùng phát trở lại, nhiều hộ dân sống gần đó liên tục thăm chừng, dùng vòi nước xịt đám khói. "21 giờ, đang ở trong nhà, tôi nghe vài tiếng nổ phát ra từ nhà kho của Trung tâm, chạy ra nhìn thì thấy lửa bốc lên dữ dội phía sau nhà kho. Hoảng quá, chúng tôi đập cửa các hộ dân lân cận rồi ôm con nhỏ chạy ra ngoài, báo cho lực lượng PCCC. Cả đêm qua, chúng tôi không dám ngủ, thay nhau canh đám khói" - anh N.V.Dũng (hộ dân sát nhà kho) cho biết.
Trong khi đó, bà H., người được chủ kho nhờ dòm ngó nhà kho này, chưa hết bàng hoàng, kể: "Nhà kho do ông Sang làm chủ, cho Trung tâm thuê từ tháng 11/2018, sau khi nhà kho ở quận 8 bị lấy lại. Rất nhiều tài liệu là cùi vé xe buýt, giấy tờ liên quan như lệnh điều xe, hồ sơ khám sức khỏe lái xe... đều trữ ở đây. Nhà kho không có người trông nom nên mỗi khi mưa lớn, nếu bị dột, chủ kho nhờ tôi sang dời tài liệu phụ...".
Không chỉ lơ là trong việc lưu trữ, theo quan sát của chúng tôi, kho chứa tài liệu hoạt động của xe buýt này lại nằm sát với kho chứa hạt nhựa của một hộ dân thuê cùng địa chỉ. Khi vụ cháy xảy ra, hàng trăm ký hạt nhựa cũng cháy sạch, khiến đám cháy càng thêm lớn.
Cán bộ Sở GTVT cũng ngỡ ngàng
Chiều 6/5, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm, cho biết trong nhà kho có tài liệu trợ giá xe buýt giai đoạn 2011-2016 với hơn 6.000 tỷ đồng trợ giá đã "xài" nhưng chưa được quyết toán. Nhà kho nơi xảy ra vụ cháy được Trung tâm thuê của một đơn vị khác và việc bảo quản, bảo đảm PCCC... do đơn vị được thuê chịu trách nhiệm. Ông Trung cũng cho rằng công ty được đơn vị ông thuê có chức năng cho thuê kho bãi, có giấy phép đăng ký kinh doanh và phương án PCCC theo quy định.
Ông Trung thông tin thiệt hại về tài sản từ vụ cháy không lớn và cũng không ảnh hưởng nhiều do các hồ sơ quyết toán đang ở Trung tâm, hiện cũng đang trong quá trình kiểm toán. Riêng lệnh vận chuyển thì được lưu ở hai bên, một bên là Trung tâm và một bên là các doanh nghiệp. Vì vậy, đơn vị nào cần đều có thể cung cấp để đối chiếu. Ngoài ra, Trung tâm vừa thuê kiểm toán độc lập kiểm toán toàn bộ hồ sơ thanh quyết toán trợ giá từ năm 2011 đến 2016, kết quả cũng vừa xong và đã được chuyển giao cho Trung tâm ngày 12/4.
Nhận định về việc trên, một cán bộ của Sở GTVT TP lấy làm lạ với việc hàng chục tấn tài liệu nhà nước quan trọng như thế lại được lưu trữ sơ sài và không ai trông nom. "Tại sao không thuê một nhà kho của nhà nước trong nội thành TP để dễ quản lý mà thuê kho của tư nhân cách Trung tâm hơn 30 km? Như vậy, mỗi khi muốn tra cứu tài liệu, nhân viên Trung tâm phải chạy rất xa, nhà kho lại không có cán bộ Trung tâm trông nom, nguy hiểm hơn khi kho nằm cạnh kho chứa hạt nhựa dễ xảy ra cháy nổ, không an toàn cho công tác lưu trữ" - vị cán bộ đặt câu hỏi và phân tích.
Cũng theo vị cán bộ này, nếu toàn bộ hồ sơ chứng từ liên quan trợ giá xe buýt giai đoạn 2011- 2016 bị thiêu hủy thì rất nghiêm trọng khi chưa được nhà nước quyết toán, kể cả khi được quyết toán vẫn phải lưu trữ trong 5 năm. Đặc biệt, việc Trung tâm thuê kiểm toán độc lập chỉ có giá trị tham khảo, không có giá trị pháp lý đối với nhà nước.
Hàng ngàn tỷ đồng sẽ quyết toán thế nào?
Lo ngại của vị cán bộ Sở GTVT nêu trên thực tế cũng là lo ngại của dư luận, bởi nhìn vào "hành trình" quyết toán hàng ngàn tỉ đồng tiền trợ giá xe buýt giai đoạn 2011-2016 ai cũng dễ dàng thấy đang có vấn đề.
Cụ thể giai đoạn 2011-2016, mạng lưới xe buýt có trợ giá sử dụng hơn 6.000 tỉ đồng từ ngân sách TP, khoảng hơn 1.000 tỉ đồng/năm nhưng đến nay vẫn chưa được quyết toán theo Luật Ngân sách. UBND TP đã từng kết luận thanh tra tiền trợ giá xe buýt giai đoạn 2011-2014, trong đó nêu có hiện tượng một số doanh nghiệp khai khống số lượng, giả mạo hồ sơ hoặc không trợ giá vẫn được chi trả. Sau đó là hàng loạt kết luận của Thanh tra Sở GTVT, Thanh tra TP liên quan việc nâng khống này. Đặc biệt, năm 2014, Báo Người Lao Động phát hiện hàng ngàn vé tập xe buýt bị làm giả được lưu hành. Vụ việc được cơ quan chức năng vào cuộc nhưng vẫn không xác định được số lượng vé tập giả nên Trung tâm không đủ cơ sở củng cố hồ sơ quyết toán với cơ quan nhà nước. Vụ việc kéo dài đến nay khiến các HTX, doanh nghiệp bị "treo" khoảng 11 tỷ đồng trợ giá.
Đáng nói hơn, nếu căn cứ theo quy định, quy trình quyết toán xe buýt thì hằng tháng, doanh nghiệp vận tải tổng hợp hồ sơ, báo cáo quyết toán gửi về Trung tâm. Cuối ngày 31/3 hằng năm, Trung tâm tổng hợp hồ sơ, báo cáo quyết toán năm trước liền kề để tiến hành kiểm toán theo quy định. Trong thời gian 60 ngày, từ khi Trung tâm nhận báo cáo kết quả kiểm toán thì phải gửi toàn bộ hồ sơ, báo cáo quyết toán đã được kiểm toán về Sở GTVT xét duyệt. Sau đó, trong thời hạn 90 ngày, từ khi Sở GTVT nhận đủ các hồ sơ từ Trung tâm thì phải có báo cáo kiểm toán đính kèm, được phòng tài chính kiểm tra, xét duyệt báo cáo quyết toán năm về tình hình quản lý, sử dụng kinh phí trợ giá của Trung tâm. Từ đó sẽ thông báo số liệu xét duyệt quyết toán, đồng thời tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm tra.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT TP, dù đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở Trung tâm nộp hồ sơ, báo cáo quyết toán về tình hình sử dụng kinh phí ngân sách trợ giá xe buýt các năm nhưng đến khoảng tháng 11/2018, Sở GTVT chưa nhận được hồ sơ, báo cáo quyết toán kinh phí trợ giá của Trung tâm từ năm 2012 đến 2016. Riêng năm 2011, hồ sơ đề nghị quyết toán của Trung tâm đã được gửi nhưng trước đó, một số nội dung chưa được làm rõ nên Sở GTVT yêu cầu bổ sung, thuyết minh và giải trình những nội dung này. Do chậm trễ báo cáo quyết toán nên từ năm 2011 đến 2016, Sở GTVT chưa lập được báo cáo quyết toán.
Điều tra thêm nhiều vấn đề khác
Theo ông Trần Chí Trung, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã báo cáo vụ việc cho UBND TP và Sở GTVT, tuy nhiên hiện vẫn chưa thống kê được danh mục tài liệu bị cháy.
Ở một diễn biến khác, trao đổi với phóng viên trưa 6/5, thượng tá Lê Văn Hải, Trưởng Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM), cho biết đơn vị này đang phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC thuộc Công an TP.HCM điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ cháy. Bước đầu xác định, hỏa hoạn thiêu rụi khoảng 4.000 thùng hồ sơ, giấy tờ tài liệu, vé tập xe buýt cùng khoảng 500 kg hạt nhựa phế liệu... "Ngoài việc làm rõ nguyên nhân vụ cháy, công an cũng phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra thêm nhiều vấn đề liên quan khác" - thượng tá Lê Văn Hải thông tin.