Lời khai của bị can Trần Xuân Yến - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La về số tiền để nhận chạy điểm đang khiến dư luận Việt Nam hết sức bất bình.
Báo Giáo dục giới thiệu bài bình luận về vấn nạn mua điểm, chạy điểm trong giáo dục Việt Nam hiện nay.
Một tỷ có nhiều không? Chẳng biết nhiều hay ít, trường tôi gần 40 giáo viên và nhân viên; có 14 lớp học, năm ngoái chỉ có 1,7 tỷ ngân sách; như vậy một tỷ lớn thật.
Anh B. kế toán, ngồi tính nếu lương một người đi dạy, từ khi mới ra trường đến khi về hưu chưa được… một tỷ. Một tỷ đủ để khiến “Ma quay cối, người bán mình”!
Theo lời khai của bị can Trần Xuân Yến - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, chính giám đốc sở này, ông Hoàng Tiến Đức đã đưa thông tin của 8 thí sinh để nhờ tổ chấm sửa nâng điểm.
Về "chi phí" để giúp rút bài sửa nâng điểm, có bị can khai để rút bài sửa nâng điểm 3 môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỷ đồng.
Được biết, quá trình điều tra, một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Một tỷ, người ta đã mua được cái gì?
Phần lớn các trường hợp mua điểm ở Sơn La đã nhập học khối trường Công an, Quân đội. Như vậy người ta đã “mua được” quá trình học đại học nhà nước nuôi miễn phí; một “suất công chức”; một công việc ổn định, lương cao sau khi ra trường.
Theo “dư luận”, một suất công chức giáo dục ở Hà Nội đã được “rao giá” vài trăm triệu đồng với các cô giáo “hợp đồng”. Như vậy “đầu tư” một tỷ cho mỗi trường hợp nâng điểm ở Sơn La quả là “đồng tiền thông thái”.
Song, cái “rẻ nhất” mà họ đã mua được là cái “vô giá” mà chúng ta đã phải mất biết bao máu xương mới có được là niềm tin của nhân dân với Đảng, với nhà nước!
Trước cổng trường đại học Nam Phi có khắc câu nói nổi tiếng của Nelson Maldela về giáo dục và sự phát triển của đất nước: “Muốn phá hủy một đất nước, không cần dùng bom nguyên tử hay tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và làm ngơ cho gian lận thi cử”.
Nếu chúng ta không trừng trị những kẻ “cướp điểm” ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, chúng ta đang làm ngơ cho gian lận thi cử; chúng ta đang tàn phá đất nước thân yêu của chính mình.
Có người bảo “Chuyện gian lận thi cử vừa rồi nhằm nhò gì. Chỉ là không may bị lộ”. Chuyện thanh tra được thực hiện ở một số địa phương khác, kết quả thanh tra cho thấy không có vấn đề. Tin hay không tin tùy bạn, nhưng chúng ta mong sự thật là như thế.
Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019 sắp đến, phụ huynh, học sinh đã được ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo - đưa ra cảnh báo “Thi Trung học phổ thông quốc gia 2019: Thí sinh, phụ huynh đừng nghĩ chuyện gian lận!” khi trao đổi với báo chí sáng 17/5/2019.
Về phía các công chức đảm nhận công tác thi và chấm thi, ông Trinh cho rằng:
“Lựa chọn cán bộ làm nhiệm vụ phải cẩn thận và am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, nắm rõ quy trình và trách nhiệm. Tập huấn kỹ càng cán bộ coi thi để đến trường thi, ai làm vị trí nào đều phải làm tốt”.
Ông Trinh cho biết khu vực lưu trữ đề thi, bài thi có camera an ninh giám sát, công an trực an ninh 24/24 giờ.
Việc trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của đại học, cao đẳng thực hiện. Quy trình phân công cán bộ coi thi, phát đề thi, chấm thi trắc nghiệm cũng có thay đổi so với năm 2018.
Đặc biệt, năm nay phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử để ngăn ngừa việc can thiệp, gian lận. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng được điều chỉnh để phát hiện gian lận, can thiệp. Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi lưu dấu vết. Chỉ người có trách nhiệm mới có thể truy cập.
Giáo viên, giám khảo trên cả nước đã có bài học “Kẻ ăn ốc người đổ vỏ”; Đà Nẵng đã chi 5 tỷ để chống gian lận, cấm chỉ đạo miệng trong kì thi Trung học phổ thông; các địa phương khác đã triển khai công tác thi Trung học phổ thông kĩ lưỡng; Bộ đã có các phương án kĩ thuật phòng chống gian lận. Những kẻ có ý đồ “cướp điểm” hãy đợi đấy!
Mong rằng kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019, không có ai có thể mua được, bán được điểm, dù bằng rất nhiều tiền!
Quả báo nhãn tiền, chẳng cần phải chờ lâu; những kẻ gian lận thi cử rồi cũng bị lôi ra ánh sáng, trừng trị trước pháp luật chứ không chỉ dừng lại ở dư luận phán xét.