Sau gần 1 năm điều tra, sự việc gian lận điểm thi ở Sơn La đã kết thúc giai đoạn 1 với rất nhiều thông tin khiến dư luận sững sờ.
Ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La bị cấp phó của mình là ông Trần Xuân Yến khai với cơ quan điều tra là “nhờ vả” sửa điểm cho 8 thí sinh.
Điều mà dư luận thắc mắc lâu nay là vì sao những thí sinh con nhà nghèo lại không được “vô tình” sửa điểm cũng đã có lời giải đáp.
Với giá trung bình mỗi thí sinh được nâng điểm là 1 tỉ đồng thì con nông dân nào đủ sức để có tên trong danh sách sửa điểm?
Ngay sau khi thông tin ông Trần Xuân Yến khai với cơ quan điều tra được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ Người Đưa Tin cũng đăng trả lời của ông Hoàng Tiến Đức phủ nhận:
“Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đó”.
Phải chăng cấp phó Trần Xuân Yến đã vu khống cho Giám đốc Hoàng Tiến Đức?
Nhưng, có lẽ trong lúc này đây, không có ai tin ông Hoàng Tiến Đức cũng như bao nhiêu vị quan chức có con được nâng điểm đã và đang chối bay, chối biến!
Việc một số bị can ở Sơn La đã nộp lại số tiền cho cơ quan điều tra là minh chứng rõ nhất cho vụ án "mua bán điểm" ở tỉnh này. Chẳng lẽ cấp dưới của ông Hoàng Tiến Đức lại “bốc lửa bỏ vào tay Giám đốc” của mình rồi lấy tiền nhà đi… nộp chơi?
Chúng ta biết rằng trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, Sơn La có 44 thí sinh được sửa và nâng khống điểm. Thí sinh được nâng cao nhất là 26,55 điểm/ 3 môn.
Nếu như lời khai của các bị can, mỗi thí sinh có giá trung bình là 1 tỉ đồng thì 44 trường hợp này đã tương đương 44 tỉ đồng!
Số tiền đó rất lớn, đã đủ cám dỗ để làm lung lạc đạo đức của một số cán bộ quản lý ngành giáo dục Sơn La.
Theo thông tin từ Báo Tuổi trẻ: “Kết quả điều tra cũng cho thấy ngoài ông Trần Xuân Yến nhận giúp 13 thí sinh, bà Nguyễn Thị Hồng Nga nhận giúp 16 thí sinh.
Bị can Nguyễn Thanh Nhàn (phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 4 thí sinh. Bị can Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) nhận giúp 1 thí sinh.
Bị can Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) nhận giúp 2 thí sinh, trong đó có 1 thí sinh là em vợ”.
Trong số những bị can đã bị tuy tố và bắt bắt giam, chúng ta thấy chỉ có ông Trần Xuân Yến “giúp đỡ” nhiều nhất là 13 thí sinh. Các bị can khác ít hơn nhưng cũng đã bị truy tố, có người được tại ngoại, có người đã bị bắt tạm giam.
Vì thế, khi cấp phó khai ra việc ông Hoàng Tiến Đức "nhờ vả" sửa điểm cho 8 thí sinh thì có lẽ ông Đức đã…đang sợ.
Dân đen dù cho có tiền cũng rất khó tiếp cận và chơi với người có chức vụ là Giám đốc Sở. Đáp án nhiều con quan chức Sơn La có con được nâng điểm đang dần được lộ rõ.
Việc ông Hoàng Tiến Đức sợ cũng là điều dễ hiểu vô cùng. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa thôi là ông sẽ về hưu, khép lại một quá trình công tác trong ngành giáo dục.
Nếu không có sự việc này, chắc chắn ông sẽ là một nhà giáo có uy tín cả hiện tại và kể cả khi về hưu. Thế nhưng, khi “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì lại để xảy ra việc này.
Vì thế, tương lai của ông Hoàng Tiến Đức những tháng ngày tới đây chắc sẽ không yên ả. Công sức cống hiến cả đời cho ngành giáo dục đã bị chính ông đổ sông, đổ bể hết.
Có lẽ, trong lúc này thì ông Hoàng Tiến Đức đừng nên thanh minh điều gì cả bởi chuyện gì đến, ắt sẽ đến thôi.
Nếu ông bình thản đón nhận sự việc, đón nhận hậu quả mà mình gây ra thì ông sẽ thanh thản lòng mà ít ra là có người còn cảm thông, chia sẻ với ông trong thời gian tới.
Nhưng nếu như ông phủ nhận toàn bộ sự việc thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm sáng tỏ vấn đề mà lúc đó ông còn sẽ mất nhiều thứ hơn nữa!