Giá điện bậc thang tăng không đều
Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm đến tranh luận về giá điện tại nghị trường kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội hôm 22/5, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng "trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố".
Dẫn số liệu của các chuyên gia kinh tế, bà Hà cho biết, phần lớn người dân phải chịu mức tăng lũy tiến ở các bậc 130%, 163%, 183% và 189% so với mức giá cơ sở (1.549 đồng) trước tăng giá.
Chiều cùng ngày, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành khẳng định bà Hà đã tính toán sai và khẳng định mức độ phần trăm mà EVN đưa ra hoàn toàn chính xác.
"So sánh trước khi tăng giá và sau khi tăng giá với từng bậc thang một đưa ra chính xác, đồng thời, đều tăng từ 8,3 - 8,4%, chứ không tăng mười mấy phần trăm như đại biểu nói", ông Thành nói.
Có thể trong phát biểu của ĐBQH Lê Thị Hà dường như có chút nhầm lẫn khi tính giá cơ sở nhưng phát biểu ấy đã phản ánh một thực tế, đó là cử tri và người dân đang phải trả tiền điện không song hành cùng với mức tăng (8,36%) như ngành điện công bố.
Chính việc tăng giá điện không rõ ràng, chi tiết từng mức mà chỉ nói chung là tăng giá điện bán lẻ bình quân khiến người dân khi trả tiền điện thực tế trở nên bức xúc.
Chia sẻ điều này, TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cũng cho cho rằng, dù khái niệm "giá cơ sở" mà ĐBQH đưa ra không có trong sách vở, chỉ có khái niệm "giá điện bình quân" mà Chính phủ quy định nhưng một thực tế là hóa đơn tiền điện người dân phải trả sau khi tăng giá bán lẻ điện bình quân đã tăng vọt so với những tháng trước.
Giá cơ sở là cách hiểu của đại biểu, tôi chưa rõ đại biểu lấy con số 1.549 đồng ở đâu. Có thể bậc 1 giá điện thấp hơn giá bình quân thì đại biểu gọi đó là giá cơ sở, rồi từ đó tính lên cho bậc 2, 3, 4, 5, 6.
Ở đây, không tranh luận theo mức tăng của từng bậc. Mức thì vẫn như thế nhưng vì người dân sử dụng điện nhiều hơn, sản lượng điện năng bị tính theo các mức giá cao, đặc biệt là mức cao nhất nhất bị đẩy lên khiến số tiền khách hàng trả cho sự vượt ấy càng nhiều.
Theo quy định, chỉ có giá điện bình quân. Giá điện bình quân đã được Thủ tướng phê duyệt bằng văn bản và trong giá bình quân ấy, tất cả các yếu tố đầu vào, chi phí cho ngành điện đã tính được đầy đủ, kể cả tính lãi.
Con số này quan trọng ở chỗ người ta đã tính đi tính lại bù đắp giữa người dùng nhiều và người dùng ít, không làm ảnh hưởng dây chuyền sang các ngành hàng hóa khác vì nếu như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Chính sách của ta là hỗ trợ người nghèo, người dùng nhiều phải bù cho người dùng ít, nhưng bù qua bù lại thì cũng phải xung quanh giá điện bình quân, đó là nguyên tắc.
Thế nên ngành điện chia bao nhiêu bậc thì đã có tính toán, nhưng muốn tăng lên bao nhiêu thì cũng phải căn cứ vào giá bình quân. Khi giá bình quân tăng thì sẽ thấy tăng bậc 1 bao nhiêu, bậc 2 bao nhiêu...", TS Ngô Đức Lâm phân tích.
Điều khiến vị chuyên gia đặc biệt lưu ý ở đây là giá điện bậc thang không tăng đều theo đường thẳng mà bậc này tăng, bậc khác lại tăng lên nhiều hơn.
"Đây là điểm rất không rõ ràng khiến nhiều người không tính được. Chính vì thế, cách chia bậc và mức độ giá của từng bậc cần phải tính toán lại cho hợp lý hơn", TS Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.
"Phải xem xét lại vì số hộ dùng 200kWh trở lên chắc chắn nhiều hơn so với trước đây. Cuộc sống của người dân đã đi lên, vậy phải xem mức điện dùng cho sinh hoạt của một hộ gia đình hiện nay thế nào là hợp lý?", TS Ngô Đức Lâm nói và đồng tình với phát biểu của lãnh đạo Bộ Công thương về việc nghiên cứu đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.
Điểm cần làm rõ
Không tranh luận thêm về phát ngôn của ĐBQH và lãnh đạo EVN về giá điện, vị chuyên gia năng lượng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất, như ông đã nói nhiều lần, là phải minh bạch cách tính giá điện bình quân, đó là yếu tố quyết định tất cả.
"Cần công khai các đầu vào của giá điện để tính toán chi phí, từ khấu hao, nguyên nhiên liệu, vật liệu; lương thưởng, sửa chữa lớn, dịch vụ mua ngoài; chi phí tài chính (lãi vay, chênh lệch tỉ giá); chi phí phát trienr khách hàng và các chi phí bằng tiền khác. Trong các chi phí đầu vào trên, chi phí khấu hao và chi phí định mức lương do Nhà nước quy định, còn các chi phí khác hoàn toàn do EVN tự quyết. Việc tự quyết này dẫn đến có thể có nhiều yếu tố không khách quan, có lợi cho bên sản xuất, không minh bạch, ảnh hưởng nhiều đến yếu tố giảm giá thành", vị chuyên gia chỉ rõ.
Lý giải cho việc đặt ra câu hỏi này, TS Ngô Đức Lâm cho biết, khi đưa ra giá điện bình quân, Chính phủ đã tính toán sao cho ngành điện đủ sống, có phúc lợi và giờ còn có cả lãi trong đó, vậy khi tăng giá điện, nếu tổng doanh thu điện sinh hoạt thực tế vượt tổng doanh thu điện sinh hoạt tính theo giá điện bình quân thì phần chênh lệch đó được ngành điện đưa vào tái đầu tư hay sử dụng cho mục đích khác?
Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán điện thời điểm ngày 20/3, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua. Nhưng theo TS Lâm, thanh tra cũng nên xem xét điểm nói trên để minh bạch hơn.
Thảo luận tại tổ ngày 22/5, ĐBQH Lê Thu Hà dẫn "bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá, các chuyên gia kinh tế" cho thấy: người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kWh trở lên) phải chi trả đến 2.927 đồng cho 1kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 (174%) trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.
Đối với bậc 3 (101-200 kWh) theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2014 đ sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1549 đồng) hơn 10% so với giá cũ 1858 đ (120%), khác với 8,4% mà EVN thông báo.
Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201- 300 kWh) là 12,7% ( 163,7%-151%), và ở bậc 5 (301-400 kWh) là 14.2% (183%-168,8%). Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%,15%, khác với 8,33 – 8,40% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.
"Phần lớn người dân phải chịu mức tăng lũy tiến ở các bậc 130%, 163%, 183% và 189% so với mức cơ sở trước tăng giá. Cách giải trình của EVN ẩn đi một lần tăng giá, làm cho % tăng giá thấp hơn", theo phát biểu của đại biểu Hà.
Khẳng định đại biểu Hà đã tính toán sai, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cho biết không có "giá điện cơ sở" 1.549 đồng mà chỉ có giá bán điện bình quân hàng năm mà Chính phủ quy định.
"Khi so sánh các bậc, lấy cơ sở bậc 1, và từ bậc 2, 3, 4, 5, 6 tăng theo tỷ lệ. Còn khi so sánh các bậc với nhau phải so cùng một bậc trước và sau tăng giá. Tôi đơn cử, trong số liệu đại biểu đưa ra bậc 6 là "2.927 đồng cho 1 kWh, tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 (174%) trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6" là không đúng. Hiện nay, bậc 6 theo biểu giá mới là hơn 2.700 đồng/kWh. Nếu cần thiết, Tập đoàn sẽ đưa ra bảng giá cho rõ ràng", ông Thành lý giải.