Bài báo mang tiêu đề: “Quân đội Trung Quốc đã tìm được một đối tác ham muốn tiền mặt tại nhà máy sản xuất động cơ máy bay ở Ukraina” (At a Ukrainian aircraft engine factory, China’s military finds a cash-hungry partner). Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin bình luận cho Sputnik về bài viết này.
Tác giả bài báo viết về các sự kiện đã được biết đến rộng rãi trong sự hợp tác quân sự giữa hai nước, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất động cơ máy bay. Điều quan trọng là tác giả trích dẫn ý kiến của một số nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nhận xét rằng, Ukraina "sẽ phải lựa chọn" giữa hợp tác với Hoa Kỳ và hợp tác với Trung Quốc, và đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo rằng, các đối tác Mỹ nên chú ý đến những rủi ro địa chính trị trong sự hợp tác quốc tế. Tất nhiên, những đánh giá như vậy có liên quan đến tình hình phức tạp trong quan hệ Trung-Mỹ.
Tình hình chính trị xung quanh hợp tác kỹ thuật quân sự Trung-Ukraina bắt đầu thay đổi vài năm trước sau khi Hoa Kỳ bắt đầu gây áp lực mạnh lên Kiev nhằm ngăn chặn các giao dịch với Trung Quốc mua tài liệu kỹ thuật, thiết bị và công nghệ quân sự của Ukraina.
Điều đáng chú ý không phải là việc Mỹ thực hiện bước đi này, mà là việc họ thực hiện bước đi này quá muộn. Sự hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Ukraina và Trung Quốc bắt đầu phát triển vào đầu những năm 1990. Trong ba thập kỷ qua, Ukraina chỉ đứng thứ hai sau Nga trong lĩnh vực cung cấp công nghệ quân sự cho Trung Quốc. Khác với Nga, Ukraina không thể thực thi chính sách nhất quán trong hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc bởi vì các cơ chế quản lý của đất nước này là rất yếu. Do đó, Trung Quốc đã mua được từ Ukraina nhiều thiết bị kỹ thuật mà không thể mua được ở Nga, đặc biệt là với giá rất thấp.
Ukraina đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái vũ trang hạm đội Trung Quốc. Kiev không chỉ bán cho Bắc Kinh tàu sân bay Varyag đã sẵn sàng 67% với giá 20 triệu USD. Điều quan trọng hơn là Trung Quốc đã mua lại ở Ukraina công nghệ sản xuất tuabin khí hiện đại cho tàu chiến, nếu không có công nghệ này thì Trung Quốc không thể chế tạo các khu trục hạm Type 052C / D và 055. Xét theo mọi việc, sau sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991, Trung Quốc cũng đã nhận được từ Ukraina số lượng lớn các mẫu vũ khí và thiết bị quân sự của Liên Xô còn lại tại Nhà máy đóng tàu Nikolaevsky và được bố trí tại các căn cứ quân sự trên bán đảo Crưm lúc đó trong thành phần của Ukraina. Với sự giúp đỡ của Ukraina, Trung Quốc đã phát triển nhiều loại vũ khí trên máy bay, hệ thống phòng không và những thiết bị khác.
Hai năm trước Hoa Kỳ cuối cùng quyết định can thiệp. Vào thời điểm đó Trung Quốc đã tận dụng hết tiềm năng kỹ thuật quân sự của Ukraina và đang lấy ra những mảnh vụn cuối cùng từ đó. Tại sao người Mỹ không nhận thấy kịp thời điều đó? Có hai nguyên nhân. Vào những năm 1990 và 2000, Hoa Kỳ đã cho rằng, không nên tập trung nỗ lực theo hướng này, họ không quá coi trọng tiềm năng công nghiệp quân sự của Trung Quốc và nghĩ rằng bất kỳ công nghệ nào mà Trung Quốc mua lại vẫn không thể thay đổi tình hình.
Ngoài ra, trong một thời gian dài, điều quan trọng hơn đối với Hoa Kỳ là gây tổn hại cho Nga. Họ đã cố gắng bằng mọi cách làm suy yếu ảnh hưởng của Nga trên lãnh thổ các nước CH Liên Xô cũ, và hầu như không quan tâm đến việc Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội. Họ đã cho rằng, áp lực mạnh quá mức lên Ukraina sẽ khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào Matxcơva. Do đó, người Mỹ đã không phản ứng trước việc rò rỉ các công nghệ quân sự, trừ những trường hợp bán vũ khí chiến lược (ví dụ, Trung Quốc đã có ý định mua máy bay ném bom chiến lược Tu-160 vào những năm 1990, và đã mua được một số tên lửa hành trình X-55 vào đầu những năm 2000). Bây giờ Mỹ mới cảm thấy nuối tiếc vì đã không ngăn chặn Trung Quốc mua lại các mẫu kỹ thuật quân sự có giá trị còn lại ở Ukraina.