Phát biểu tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington hôm 29/5, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford nói rằng vào cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng hứa sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp ở Biển Đông, SCMP cho hay.
"Những gì chúng ta thấy ngày nay là đường băng hơn 10.000 m, kho chứa đạn, việc triển khai thường xuyên các hệ thống phòng thủ tên lửa, khí tài trên không và nhiều thứ khác. Quá rõ ràng là họ đã không thực hiện cam kết đó", tướng Dunford cho hay.
Theo ông, Trung Quốc gần đây giảm tốc độ xây đảo nhân tạo phi pháp và các hoạt động có liên quan khác nhưng không phải để thực hiện cam kết, mà bởi Bắc Kinh tin rằng công việc của họ đã hoàn tất, ít nhất cho đến thời điểm này.
"Trong những tháng gần đây, các khí tài triển khai không được tăng lên, tôi cho rằng là bởi các đảo bây giờ đã phát triển đến mức đủ khả năng quân sự như Trung Quốc mong muốn", Dunford nói.
"Tôi không đề cập đến một phản ứng quân sự. Nhưng chắc chắn có những bước đi ngoại giao và kinh tế có thể khiến họ phải chịu trách nhiệm", Dunford cho biết.
Tuyên bố được đưa ra giữa lúc truyền thông Australia đưa tin các phi công quân sự nước này bị chiếu tia laser trong khi thực hiện nhiệm vụ bay đêm trên Biển Đông và phải quay về tàu để kiểm tra sức khỏe. Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington chưa đưa ra bình luận về cáo buộc chiếu laser hay phát biểu của tướng Dunford.
Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ hôm 23/5 giới thiệu ra quốc hội dự luật trừng phạt các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Dự luật yêu cầu chính phủ tịch thu tài sản tại Mỹ, thu hồi hoặc không cấp thị thực cho bất cứ ai tham gia "hoạt động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định" ở Biển Đông. Các hoạt động bị dự luật nhắm đến là cải tạo đất, xây đảo, xây hải đăng và cơ sở hạ tầng thông tin di động.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông bằng "đường 9 đoạn" phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động không có sự cho phép của chính phủ Việt Nam tại hai quần đảo này đều là phi pháp.