Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, ngày 30/5, tại Hà Nội, hai Bộ, Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức cuộc họp về xây dựng cơ chế hỗ trợ tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn nhằm ổn định cung cầu thị trường mặt hàng thịt lợn thời gian tới.
Đánh giá tình hình thị trường thịt lợn trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói:
“Tại thời điểm hiện này, giá rất thấp và khó bán. Đặc biệt, cái đáng lo nhiều hơn là những tháng tới không có thịt lợn để bán chứ không phải giá bán”.
Mấy ngày trước, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu: "Tăng cường dự trữ thực phẩm sạch, không chỉ cho cung ứng bây giờ mà những tháng, những quý tới chắc chắn thiếu thịt lợn sạch”.
Theo thống kê của Bộ nông nghiệp, tới thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi (AFS) đã xảy ra tại 2.904 xã, 265 huyện của 42 tỉnh thành, tổng đàn lợn bị bệnh bắt buộc tiêu huỷ là 1.710.026 con, chiếm hơn 5% tổng đàn lợn cả nước. Ở nhiều vùng, các trang trại trống không vì lợn chết. Theo các chuyên gia, ít ra phải 6 tháng nữa mới nuôi lại được.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thì từ cuối tháng Tư đến nay, giá lợn hơi đã giảm, chỉ còn 28 - 32 nghìn đồng/kg tại miền Bắc; 32-38 nghìn đồng/kg khu vực phía Nam; giá lợn thành phẩm 70-90 nghìn đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng trước.
“Người tiêu dùng không lo lắm, dân buôn thì thắng lớn, lợn lành bị bán tháo giá khoảng 30k/kg hơi, chỉ người nuôi là thiệt hại nặng”, - Chị Thu Thủy, TP Hồ Chí Minh nói với Sputnik.
Trước các cơ quan chức năng, nhiệm vụ cấp bách là phải làm thế nào để ổn định thị trường thịt lợn cho người dân trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra tràn lan như thế. Theo Bộ Công Thương, tăng cường dự trữ thực phẩm sạch, không chỉ cho cung ứng bây giờ mà những tháng, những quý tới, khi chắc chắn thiếu thịt lợn sạch.
“Trong bối cảnh này, một trong những giải pháp cấp bách và có hiệu quả nhất là thu mua lợn sạch, cấp đông để những tháng sau, khi nguồn cung giảm đi sẽ cung cấp lại thị trường. Việc này triển khai càng sớm càng tốt” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh.
Tiếp theo, về tiêu thụ, trước tiên cần phải tuyên truyền tới người tiêu dùng rằng, AFS chỉ có lây trên lợn rừng và lợn nhà. Bệnh này không lây lan ra các gia súc gia cầm và không lây truyền cho người, do đó việc nắm bắt thông tin chính xác về dịch bệnh là rất cần thiết.
“Thị trường ở Huế hiện nay thịt an toàn đắt hơn so với bữa hôm không có dịch, vì giết mổ giới hạn, kiểm duyệt rất kỹ trước khi cho phép ra chợ. Tôi cho rằng, người tiêu dùng cần hết sức bình tĩnh, không nên vì dịch mà hoang mang, tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát giết mổ, có lăn dấu, dán tem kiểm định, chứ không nên tẩy chay mặt hàng thịt lợn”, - Chị Kim Nga, Huế nói quan điểm của mình với Sputnik.
“Em vẫn mua thịt lợn ở siêu thị, giá đắt hơn ở chợ (từ 130-150 nghìn/kg). Cũng có một hai lần mua ngoài chợ vì trông thịt tươi, ngon, giá sườn là 110 000 đồng/kg. Nhà em giảm ăn thịt lợn, tăng ăn cá vì sức khỏe chứ không vì sợ dịch tả lợn châu Phi ạ”, - Chị Lê Thị Ngọc Liên, Hà Nội chia sẻ với Sputnik.
Trong khi các cơ quan chức năng, trung ương cũng như địa phương, đang hối hả vào cuộc trước khả năng thị trường thiếu thịt lợn trong mấy tháng tới, thì các cơ sở chăn nuôi trong nước cũng tích cực thay đổi hướng chăn nuôi.
Ví dụ, tại Đồng Nai - “thủ đô” của dịch tả lợn châu Phi, nhiều nông dân đang chuyển sang chăn nuôi vịt và gà. Theo ước tính sơ bộ, số lượng vịt được nuôi tại đây sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.
Còn với những chị em nội trợ thì việc thiếu thịt lợn không làm họ lo lắng. Ngành chăn nuôi, thủy sản, đánh bắt cá của Việt Nam đang rất phát triển.
“Nhìn chung giá các loại thịt và hải sản không có gì thay đổi. Còn nếu không ăn thịt lợn được thì ăn thịt gà, bò, hải sản”, - Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Hà Nội nói với Sputnik.
“Giá thịt lợn trước dịch là 70.000/kg, đang dịch là 60.000/kg, có giảm do tâm lý người tiêu dùng ít mua hơn. Và để đảm bảo an toàn nhiều người chuyển sang mua thực phẩm như cá, tôm, mực, gà, vịt,...Giá những thực phẩm này thực ra cũng không cao hơn trước là mấy. Tôi không cho rằng việc thiếu thịt lợn sẽ mang tính khủng hoảng. Chợ Việt Nam phong phú thực phẩm, thịt lợn có thể thay bằng những loại thịt khác, như thịt bò, gà, vịt, đà điểu, hay hải sản, thủy sản”, - Chị Thu Hương, Huế nói với Sputnik.