Nhưng rồi cộng đồng quốc tế nhận ra rằng, hành động đó là để tự vệ và giải cứu người dân Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo.
Theo ông, tại sao đến giờ vẫn còn có ý kiến cho rằng Việt Nam “xâm lược”, “chiếm đóng” Campuchia hồi cuối thập niên 70?
GS Thayer: Cuối những năm 1970, những người phản đối chủ nghĩa xã hội cho rằng Việt Nam đang tìm cách thành lập một liên bang Đông Dương theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, thế giới bên ngoài biết rất ít về các vụ thảm sát, giết người hàng loạt ở Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ. Họ cũng hầu như không biết gì về việc Khmer Đỏ liên tục tấn công các làng mạc Việt Nam ở vùng biên giới. Việt Nam tự vệ và đưa quân sang Campuchia. Vì Campuchia giáp Thái Lan nên Thái Lan lúc đó sợ bị tấn công. Vì thế, Thái Lan kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, sự thực là Việt Nam can thiệp quân sự ở Campuchia là hành động tự vệ và giải thoát người dân Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo.
Vậy, quan điểm cụ thể của ông về việc Việt Nam đưa quân tình nguyện vào Campuchia là như thế nào?
Quan điểm của tôi là Việt Nam đã giải phóng, giải thoát người dân Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ giết người.
Theo ước tính của Dự án Diệt chủng người Campuchia tại Đại học Yale (Mỹ), 1,7 triệu người Campuchia, tức 21% dân số Campuchia lúc đó, đã mất mạng dưới thời Khmer Đỏ. Có tài liệu ước tính số nạn nhân thiệt mạng là 2,5 triệu.
Ngày 16/11/2018, lần đầu tiên, tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ ở Campuchia được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã kết án 2 lãnh đạo Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan phạm tội ác diệt chủng. Hai nhân vật này đã cố tàn sát người Chăm theo Hồi giáo và các dân tộc thiểu số Việt Nam. Các lãnh đạo Khmer Đỏ trước đó bị kết án phạm tội ác chống lại loài người.
Đã 40 năm trôi qua kể từ khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ bị đánh đổ. Quan điểm của cộng đồng quốc tế đối với việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia đã có những thay đổi gì?
Cộng đồng quốc tế đã thay đổi quan điểm trong 40 năm qua. Có một số chính khách phê bình, chỉ trích Việt Nam vào cuối những năm 1970. Nhưng những chính phủ sau đó hoàn toàn đồng cảm với Việt Nam. Ví dụ, Úc chứng kiến sự thay đổi chính phủ vào năm 1983 với thắng lợi của đảng Lao động; ông Bob Hawke lên làm thủ tướng. Lúc đó, Ngoại trưởng Úc Bill Hayton đã tìm cách chấm dứt thế cô lập của Việt Nam và thúc đẩy giải pháp hòa bình cho xung đột ở Campuchia.
Giờ nhìn lại 40 năm qua, người ta hiểu rõ hơn rất nhiều về quy mô các vụ thảm sát, giết người hàng loạt mà Khmer Đỏ thực hiện ở Campuchia cũng như hiểu đúng về lý do Việt Nam can thiệp. Sau khi Việt Nam rút quân vào năm 1989, cộng đồng quốc tế nhanh chóng bình thường hóa quan hệ, hoan nghênh Việt Nam gia nhập ASEAN…
Cảm ơn ông.
Việt Nam: Phát biểu của Thủ tướng Singapore không khách quan
Ngày 4/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Ðối thoại Shangri-La và trên trang mạng cá nhân ngày 31/5 vừa qua có nội dung cho rằng Việt Nam đã “xâm lược”, “chiếm đóng” Campuchia.
Bà Hằng nêu rõ, Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này.
“Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cùng các thành viên khác làm hết sức mình vì mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, thống nhất, đoàn kết và có vai trò trung tâm tại khu vực”, bà Hằng nói.
Bộ trưởng quốc phòng, Nghị sĩ Campuchia phản bác
Trước bình luận của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Ðối thoại Shangri-La và trên trang cá nhân vừa qua có nội dung cho rằng Việt Nam từng “xâm lược,” “chiếm đóng” Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và nghị sĩ Hun Many thuộc Ðảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã phản bác lại.
Nói với báo giới ngày 3/6, ông Tee Banh cho biết ông đã yêu cầu người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen thông báo với Thủ tướng Lý Hiển Long chỉnh lại bình luận đó. Bộ trưởng Tea Banh khẳng định:
“Ðó không phải là sự thật và chúng tôi muốn ông ấy đính chính. Chúng tôi không thể chấp nhận điều ông ấy nói. Chúng tôi đã khẳng định rõ ràng rằng, quân tình nguyện Việt Nam đã giải phóng nhân dân chúng tôi, đã đến cứu người dân chúng tôi”.
Nghị sĩ Hun Many nói rằng Việt Nam, ngược lại với cái gọi là “sự xâm lược” mà ông Lý nói, đã hỗ trợ CPP lật đổ chế độ Khmer Ðỏ năm 1979.
“Người dân Campuchia đã cầu nguyện rằng sự giúp đỡ đến từ đâu và từ ai không phải điều quan trọng, mà chúng tôi đã được cứu khỏi chế độ diệt chủng Khmer Ðỏ”, ông Hun Many nói với báo Khmer Times.