Tối ngày 6/6, tiếp tục trao đổi thêm về chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT liên quan tới công tác kiểm toán các dự án BOT, ĐBQH đoàn Ninh Bình Bùi Văn Phương cho biết, do hết thời gian nên ông không tiếp tục tranh luận, tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT dễ khiến người ta nghi ngờ.
Tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Phương từng đặt vấn đề: Vì sao 2 Bộ GTVT và Bộ KH-ĐT không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông?
Theo ông Phương, khi xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2017 -2018, có xảy ra tranh luận giữa Kiểm toán Nhà nước và Bộ KH-ĐT.
Khi đó, Bộ KH-ĐT cho rằng không kiểm toán được các dự án BOT, trong khi Kiểm toán Nhà nước vẫn khẳng định là kiểm toán được.
"Bộ GTVT dù không nói thẳng là không cho kiểm toán nhưng cả hai bộ đều cho thấy không muốn kiểm toán các dự án BOT với nhiều lập luận cho rằng đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân. Mặc dù cả hai bộ đều khẳng định không thể kiểm toán được các dự án BOT nhưng thực tế Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán được.
Bằng chứng là Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, sau khi kiểm toán Kiểm toán Nhà nước giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này", ông Phương dẫn chứng.
Ông Phương cho biết, cho tới nay Kiểm toán đã làm việc và đã có kết luận như vậy, tuy nhiên, nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không?
Vì thế, ngay tại hội trường Quốc hội, ông muốn tiếp tục làm rõ lý do vì sao hai bộ lại không muốn kiểm toán các dự án BOT và có lợi ích nhóm ở đây hay không? Đó là lý do khiến ông đăng đàn trực tiếp chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Bộ GTVT ngay tại hội trường Quốc hội.
"Nếu dự án thực hiện công khai, minh bạch thì kiểm toán hay kiểm tra, điều tra... cũng không có gì phải ngại", ông Phương nhấn mạnh.
Về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Phương cho biết, khi đưa ra chất vấn như vậy là ông muốn giúp Bộ GTVT cũng như Bộ KHĐT trực tiếp hóa giải những nghi ngờ trong dư luận, do đó, ông đã kỳ vọng sẽ nhận được câu trả lời thẳng thắn, trung thực hơn.
"Khi người ta đã có những nghi ngờ dự án BOT thực hiện thiếu minh bạch, thiếu công khai, nghi ngờ có lợi ích nhóm thì nên có cách giải thích thẳng thắn để lấy lại lòng tin của dư luận và người dân.
Tuy nhiên, thay vì làm như vậy các bộ lại đưa ra các lý lẽ để biện minh, giải thích cho những động thái vốn đã bị nghi ngờ là thiếu minh bạch thì càng cho người ta nghi ngờ, thiếu tin tưởng hơn", ông Phương nêu quan điểm.
Trước đó, khi trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Văn Phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định:
"Chúng tôi trân trọng sự hỗ trợ của Kiểm toán Nhà nước. Ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ GTVT đã mời kiểm toán, chủ doanh nghiệp BOT cũng trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán. Thậm chí, mời cả công an chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ GTVT không đồng ý kiểm toán dự án. Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán.
Về việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí tại các dự án BOT, ông Thể cho biết đã từng giải trình với Quốc hội ở kỳ họp trước. Nói rõ thêm, ông cho hay, theo quy định pháp luật, ở giai đoạn dự án được phê duyệt thì cơ quan quản lý sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư triển khai xong dự án mới quyết toán và căn cứ vào khối lượng quyết toán thực tế sẽ điều chỉnh hợp đồng. "Hợp đồng cuối cùng mới là hợp đồng cho thu phí".
Vì thế, nếu Kiểm toán Nhà nước căn cứ vào hợp đồng phê duyệt thì sau này công tác giải phóng mặt bằng, khối lượng phát sinh sẽ không đúng thực tế.
"Kiến nghị giảm 222 năm đúng, nhưng đúng với dự án được duyệt, còn số liệu thực tế quyết toán giảm, chứ không phải như số liệu của Kiểm toán", ông Thể giải thích thêm.
Chưa đồng ý với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐBQH Bùi Văn Phương giơ thẻ xin tiếp tục chất vấn câu trả lời của Bộ trưởng Thể là không chính xác “vì tôi đang ngồi cạnh đồng chí Tổng Kiểm toán Nhà nước”.
ĐBQH Phương cho rằng, Bộ GTVT chỉ mời Kiểm toán Nhà nước vào 3 dự án là hầm đèo Cả, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Trước những vấn đề ĐBQH Phương nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể Khẳng định: Trong quá trình làm dự án, chúng tôi đã chỉ đạo các nhà đầu tư mời Kiểm toán Nhà nước vào ngày từ đầu. Chúng tôi chỉ đạo, chứ không phải chủ đầu tư chủ động mời vào đâu.