Các loại thuế quan mà Tổng thống Trump áp dụng kể từ khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nổ ra đến nay đã khiến các nhà sản xuất Mỹ chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, đúng như mong muốn của ông.
Tuy nhiên, các nhà máy vẫn nằm ngoài Mỹ. Theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Mỹ công bố hôm qua, một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại mà ông Trump đã khởi xướng.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy các nhà nhập khẩu Mỹ đang tìm kiếm những nhà cung cấp thay thế từ thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu từ Đài Loan cũng tăng 22%, từ Hàn Quốc tăng 17% và từ Bangladesh tăng 13%.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm khoảng 12%, một hệ quả tất yếu sau quá trình đàm phán thương mại đã kéo dài suốt 1 năm nay.
Mới đây ông Trump đã mở rộng cuộc chiến thương mại của mình sang cả Mexico với lời đe dọa sẽ đánh thuế 5% tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Mặc dù có những trường hợp nhà sản xuất sẽ phải chịu chi phí thuế quan, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng phần lớn trường hợp sẽ là các nhà nhập khẩu phải chịu chi phí – và họ có thể lựa chọn giữa tự chịu đựng hoặc đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng.
Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố thuế quan sẽ buộc các nhà sản xuất phải mang nhà máy về Mỹ, và đó cũng là lời hứa cốt lõi trong chiến dịch tranh cử của ông. Tuy nhiên, chính ông cũng phải thừa nhận rằng điều đó đã không xảy ra. Tháng trước, ông viết trên Twitter rằng "nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi thuế quan sẽ rời khỏi Trung Quốc để đến Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác".
Nhiều công ty Mỹ (đặc biệt là những công ty bán mũ nón, da giày và hàng may mặc) có nguồn nguyên liệu đầu vào phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Trong trường hợp này thì Mỹ không có nhà máy để sản xuất những thứ họ cần, chưa tính đến chuyện tiền lương ở Mỹ rất cao và thị trường lao động nước này không ở trong trạng thái dư thừa. Do đó chuyển về Mỹ hoàn toàn không phải là 1 lựa chọn.
Theo Matt Priest, CEO của Footwear Distributors and Retailers of America, điểm đến đầu tiên mà các công ty da giày nghĩ đến sẽ là Việt Nam, nơi đã có sẵn một số công ty và dễ dàng nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Chuyên gia này còn cho rằng "quan điểm mọi thứ đều phải được sản xuất ở Mỹ hoàn toàn phớt lờ những nguyên tắc kinh tế cơ bản của thế kỷ 21 về chuỗi cung ứng toàn cầu".
Và kể cả trước khi ông Trump bắt đầu áp thuế, một số nhà máy đã rời khỏi Trung Quốc vì chi phí nhân công tăng cao. Trong suốt thập kỷ vừa qua, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ các thị trường như Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng trưởng vững chãi. Trong khi Đài Loan và Hàn Quốc tập trung nhiều hơn vào những sản phẩm công nghệ cao như smartphone và chip bán dẫn, những nơi như Việt Nam phù hợp với ngành may mặc và da giày nhờ chi phí nhân công rẻ.