Tại Khóa họp lần thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193).
Nhân dịp này, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, người từng làm Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2018, đã chia sẻ một số ý kiến đánh giá về những cơ hội, thách thức của Việt Nam khi đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, các cơ chế đa phương, nhất là Liên hợp quốc và các cơ quan của Liên hợp quốc là những diễn đàn rất quan trọng.
Là thành viên, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào việc xây dựng chính sách, ra quyết định, định hình luật chơi, qua đó thúc đẩy quan điểm, lợi ích của mình.
Ưu thế lớn của các diễn đàn này là thu hút sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên của công chúng, Việt Nam có thể tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế, đồng thời thúc đẩy quan điểm ủng hộ chủ nghĩa đa phương, các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, tăng cường hợp tác để giải quyết bất đồng, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cương vị Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an sẽ nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội mới để gia tăng đối thoại, hợp tác với các bên liên quan, đặc biệt là các nước lớn, các thành viên trong Hội đồng Bảo an, vừa thúc đẩy hợp tác song phương, vừa có khả năng đóng góp nhiều hơn vào việc tăng cường bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng việc cùng đảm nhiệm hai vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện thúc đẩy quan tâm chung của khu vực trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc, nhất là khi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020 còn có một thành viên ASEAN khác là Indonesia.
Bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện lập trường nhất quán đề cao và thúc đẩy việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhận định Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ này.
Thách thức lớn nhất là cục diện thế giới đang thay đổi rất nhiều so với 10 năm trước đây khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.
Nhiều vấn đề toàn cầu nổi lên gay gắt như xung đột vũ trang, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, an ninh hàng hải, hàng không, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng di cư, tị nạn, vấn đề phát triển bền vững, tội phạm xuyên quốc gia…
Việc cạnh tranh, điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, sự trỗi dậy của xu hướng đơn phương, giảm cam kết với Liên hợp quốc đang đặt chủ nghĩa đa phương, các thể chế đa phương trước những thách thức lớn, đối diện với nguy cơ mất đi những thành quả đã đạt được trong những vấn đề trước đây đã có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, một thách thức nữa là việc tập hợp lực lượng hiện nay rất linh hoạt và đa dạng, căn cứ vào lợi ích quốc gia, dân tộc trên từng vấn đề, từng thời điểm cụ thể. Điều này đặt ra những vấn đề phức tạp về ứng xử trong quan hệ với các nước, các đối tác.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng:
“Ta cần xử lý khôn khéo, theo phương châm của Bác Hồ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để vừa bảo đảm đúng lập trường nguyên tắc của ta, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các giá trị lâu nay mà Liên hợp quốc theo đuổi, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, duy trì quan hệ hợp tác với các nước khác, nhất là các nước lớn, tránh rơi vào thế kẹt trong quan hệ với các đối tác. Do vậy, Việt Nam cần tăng cường hợp tác chặt chẽ với các thành viên Hội đồng Bảo an, đặc biệt là với 9 thành viên không thường trực khác, có những sáng kiến để thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đạt được đồng thuận trong các vấn đề quốc tế, nỗ lực kiểm soát tình hình, không để phát sinh thêm nguy cơ xung đột."
Đại sứ Nguyễn Phương Nga kỳ vọng Việt Nam sẽ đề xuất các biện pháp thiết thực, thúc đẩy đối thoại nhằm góp phần ngăn ngừa xung đột, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, giải quyết hậu quả xung đột, xây dựng và củng cố hòa bình, cũng như thể hiện quan điểm, tiếng nói của các nước nhỏ vào các hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này, làm cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phục vụ tốt hơn lợi ích của mọi quốc gia, mọi người dân.