«Trong ba năm qua, chương trình MiG-35 có bước đột phá mới . Trong thời gian ngắn nhất, chúng tôi đã triển khai việc sản xuất máy bay này, tiến hành các thử nghiệm và từ lúc phát triển đến khi ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng chỉ có trong 2,5 năm», ông nói.
MiG-35 là tổ hợp chiến đấu hàng không đa năng 4 ++ mới nhất. Được thiết kế để giành ưu thế trên không, yểm trợ chiến trường, tấn công các mục tiêu mặt đất mà không cần vào gần khu vực phòng không đối phương cũng như trong độ sâu phòng thủ (tấn công vào hệ thống liên lạc, chỉ huy và dự phòng).
Máy bay như vậy là vô cùng cần thiết, theo chuyên gia của Sputnik - chuyên viên hàng không quân sự, phó tiến sỹ khoa học quân sự và phi công giàu kinh nghiệm đại tá Makar Aksyonenko:
«Vào những năm 1990 - đầu những năm 2000, Nga đã giảm số lượng máy bay tiêm kích - bom một cách thiển cận, chuyển giao những nhiệm vụ này sang máy bay cường kích và ném bom. Theo thời gian, người ta hiểu rằng không quân Nga cần những cỗ máy có khả năng giải quyết các nhiệm vụ đa chức năng trên không phận chiến trường hiện đại. Điều rất tốt là sự lãnh đạo đất nước, cơ cấu chỉ huy - kiểm soát của các lực lượng hàng không vũ trụ và ngành công nghiệp máy bay đã nghiêm túc xử lý, giải quyết vấn đề này một cách hợp lý».
Không có gì bí mật trong việc MiG-35 không phải được chế tạo ra từ đầu, đó chính là máy bay chiến đấu MiG-29 được hiện đại hóa sâu sắc. Và là quyết định đúng đắn, chuyên gia chia sẻ:
«Hiện đại hóa là cách rẻ và nhanh nhất để cung cấp cho quân đội các tổ hợp hàng không cần thiết, dựa vào kinh nghiệm sản xuất máy bay với các đặc tính khí động học tuyệt vời - Đại tá Aksyonenko nói, Các cường quốc hàng không khác cũng đi theo con đường tương tự. Những máy bay đã được nhiều người biết đến (cùng F-16) được cung cấp những phẩm chất chiến đấu mới, danh mục vũ khí trang bị hiện đại, độ chính xác cao được mở rộng. Nga đã trang bị cho MiG-29 hệ thống vũ khí mới, hệ thống điện tử kỹ thuật số hiện đại, động cơ mới, radar (radar Zhuk với ăng ten mảng pha chủ động), tổ hợp phòng thủ. Do đó, tiềm năng chiến đấu của máy bay đã tăng ít nhất 2,5 lần».
So với phiên bản tiền nhiệm, khung máy bay MiG-35 nhẹ hơn và chi phí theo giờ bay đã giảm gần 2,5 lần (vâng, điều kiện thị trường buộc quân đội phải đo đếm tiền bạc). Theo dữ liệu từ các nguồn mở, kích thước và đặc điểm bay của MiG-35 như sau:
Chiều dài - 17,3 m, chiều cao - 4,73 m, sải cánh - gần 12 m, diện tích cánh - 42 mét vuông. Trọng lượng cất cánh tối đa - 23,5 tấn. Bao gồm 2 động cơ turbo phản lực RD-33MKV với buồng đốt tăng lực, vectơ lực đẩy đổi hướng, tạo ra lực đẩy tối đa 10.800 kgf (ở chế độ danh nghĩa) và 18.000 kgf (ở chế độ tăng lực). Tốc độ tối đa trên mặt đất là 1400 km / h, trên không trung - 2400 km / h. Phạm vi hoạt động thực tế - 2 000 km (không có bình dầu phụ), trần bay thực tế - 17,5 km, thời gian bay - 2 giờ 12 phút. Phạm vi phát hiện tối đa mục tiêu trên mặt đất lên tới 60 km và mục tiêu trên không 148 - 200 km. Máy bay được trang bị pháo tự động 30 mm (150 viên đạn), có thể mang tải trọng chiến đấu lên tới 6,5 tấn (tên lửa không đối không có điều khiển, chống hạm, chống radar, tên lửa không đối đất không và có điều khiển, có thể hiệu chỉnh bom thông thường. Máy bay có thể một hoặc hai chỗ ngồi.
Các cuộc thử nghiệm trên máy bay MiG-35 diễn ra vào tháng 1 năm 2017, cùng lúc đó là buổi thuyết trình quốc tế về sản phẩm. Tại diễn đàn Army-2018, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn MiG đã ký hợp đồng cung cấp 6 chiếc máy bay phiên bản đơn và đôi (huấn luyện). Quân đội đã nhận được hai chiếc, và bốn chiếc nữa, theo tổng giám đốc tập đoàn MiG Ilya Tarasenko, sẽ được giao vào cuối năm nay. Hơn nữa, có kế hoạch ký tiếp hợp đồng khác với Bộ Quốc phòng. Ilya Tarasenko thừa nhận công ty đang khả năng phát triển phiên bản máy bay hạm tàu.
Đồng thời, Mig-35 có tiềm năng xuất khẩu tốt, chuyên gia Makar Aksyonenko cho biết:
«Bạn đừng quên rằng cơ sở để phát triển chiếc «35» là MiG-29K - ban đầu được chế tạo dành cho xuất khẩu. Ngoài ra, vũ khí chính xác của nước ngoài có thể được hiệu chỉnh theo "kiến trúc" của máy bay này. Vì vậy MiG-35 sẽ tìm thấy khách hàng nước ngoài. Có thể là Algeria, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ Latinh và thậm chí một số quốc gia châu Âu (Serbia, Phần Lan). Nhưng trước hết, tôi xin nhắc lại, trước tiên Nga cần phải trang bị “35” cho không quân của mình».