Theo hãng tin Bloomberg, Vietnam Airlines (HV) đang xin phép Chính phủ duyệt mua 100 tàu bay. Tuy nhiên, vấn đề mà hãng hàng không quốc gia Việt Nam phải cân nhắc là một trong 2 dòng máy bay mà HVN đang xem xét bị cấm bay toàn cầu do tai nạn thảm khốc tại Indonesia và Etiopia vừa qua.
Thông tin cho biết, Vietnam Airlines đang xem xét các dòng máy bay A320 của Airbus và B737 Max của Boeing để đặt hàng chắc chắn mua 50 chiếc và quyền chọn (option) mua 50 chiếc khác.
Tuy nhiên, dòng Boeing 737 Max bị cấm bay trên toàn cầu vì 2 vụ tai nạn nói trên.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác mà các hãng bay gặp phải là các nhà sản xuất đang gặp quá tải với số đơn hàng cao kỉ lục. Do đó, nhiều khả năng, Vietnam Airlines có thể sẽ phải thuê tạm một số tàu bay trong thời gian đầu trong giai đoạn 2021-2025.
Số lượng tàu thân hẹp cần bổ sung trong giai đoạn 2021-2025 là từ 50 đến 75 chiếc tùy thuộc vào mức tăng trưởng của thị trường.
Năm 2019, Vietnam Airlines cũng tính phương án chủ động nguồn nhân lực đặc biệt là lực lượng phi công để đáp ứng nhu cầu khai thác và triển khai áp dụng đường bay mới, rút ngắn thời gian bay từ Việt Nam đi châu Âu.
Vietnam Airlines đặt kế hoạch 2019: doanh thu hơn 110 ngàn tỷ đồng (tăng 12,9%); lợi nhuận 2,68 ngàn tỷ (tăng 5,8%); thị phần tối thiểu 55%; số lượng khách vận chuyển 24,9 triệu khách (tăng 13,7%),...
Gần đây, các hãng hàng không Việt Nam dồn dập mua máy bay để thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh. Tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, bà chủ VietJet, có những cú đặt mua máy bay trị giá nhiều tỷ USD ở các hội nghị thượng đỉnh và thu về vài ngàn tỷ mỗi quý từ hoạt động bán và thuê lại cũng như nhượng quyền thương mại, quyền sở hữu và thuê tàu bay.
Hồi cuối tháng 2/2019, trong cuộc họp hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế với thương vụ mua mới 100 máy bay Boeing.
Trước đó, Vietjet cũng đã có một hợp đồng khủng, cũng 100 tàu bay B737 MAX ký với Boeing vào năm 2016. Đây cũng là thoả thuận mua bán máy bay thương mại lớn nhất trong ngành hàng không Việt Nam từ trước đến nay và cũng là lớn nhất tại châu Á với mẫu B737 MAX.
Một hãng hàng không khác mới ra đời cũng có những thương vụ mua bán máy bay số lượng lớn. Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã ký một hợp đồng mua thêm 10 máy bay Boeing 787s, trị giá khoảng 3 tỷ USD sau khi có thoả thuận mua 20 chiếc máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với giá trị niêm yết là 5,6 tỷ USD trước đó. Tổng cộng Bamboo Airways sẽ mua về 30 chiếc Boeing 787, với chiếc đầu tiên sẽ về Việt Nam vào quý 3/2020.
Bên cạnh đơn hàng mới, Bamboo Airways cũng đang cân nhắc việc mua thêm 25 máy bay thân hẹp dòng 737 MAX của Boeing, với giá trị hợp đồng ước tính 2,5 tỷ USD. Bamboo Airways đang chuẩn bị khai thác các chuyến bay tới Mỹ từ cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch vẫn ảm đạm. Tuy nhiên, một số cổ phiếu trụ cột tăng vào cuối phiên đã giúp VN-Index trở lại.
Một số mã diễn biến tích cực bao gồm: Vinhomes, Vincom Retail, Vingroup, Sabeco, Masan, GAS, PVD,...
Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Chứng khoán Bảo Việt, thị trường nhiều khả năng sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự 952-955 điểm trong một vài phiên kế tiếp.
Mặc dù đang có cơ hội hình thành nhịp hồi ngắn từ vùng 930-940 điểm nhưng BVSC cũng lưu ý rằng thị trường có thể sẽ vẫn phải đối mặt với áp lực điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự trên, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 và danh mục của các quỹ ETFs đang phải chịu áp lực từ kỳ tái cơ cấu danh mục quý 2/2019 sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/6, VN-Index tăng 5,68 điểm lên 949,69 điểm; HNX-Index tăng nhẹ 0,2 điểm lên 103,77 điểm và Upcom-Index tăng 0,14 điểm lên 54,84 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 3,6 ngàn tỷ đồng.