"Chúng tôi đã chỉ ra rằng giun lươn rất phổ biến ở Campuchia và chính quyền nên bắt đầu chống sự lây nhiễm để giảm gánh nặng cho sức khỏe người dân. Điều cực kỳ quan trọng là phải giảm giá thuốc hiện có, hoặc tạo ra loại thuốc tương tự có giá rẻ, bởi vì bây giờ người dân Campuchia đơn giản là không thể đủ khả năng để mua thuốc" - ông Peter Odermatt thuộc Đại học Basel (Thụy Sĩ) cho biết.
Giun lươn và các loại ký sinh trùng vô hình khác rất phổ biến ở vùng nhiệt đới Châu Phi và Châu Á, nơi chúng gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe người dân địa phương và khách du lịch. Hầu hết các loại này chưa được các nhà khoa học nghiên cứu kỹ và chưa có thuốc chống ký sinh trùng hoặc mầm bệnh khác mà chúng gây ra.
Người bị nhiễm giun lươn không chỉ bị chết sớm, bởi bệnh gật đầu và bệnh giun chỉ bạch huyết, mà còn góp phần vào sự lây lan các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm khác, như HIV chẳng hạn. Do đó, cuộc chiến chống ký sinh trùng từ lâu đã là một trong những nhiệm vụ chính của WHO, Liên Hợp Quốc, cũng như các tổ chức từ thiện và y tế khác nhau.
Theo ông Odermatt, vấn đề càng trầm trọng thêm bởi thực tế là người bệnh nhiễm ký sinh trùng loại này không thể được phát hiện bằng các phương pháp phân tích đơn giản nhất có sẵn cho các bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế các nước đang phát triển thuộc thế giới thứ ba. Triệu chứng nhiễm trùng xảy ra ở bệnh nhân không phải lúc nào cũng được phát hiện, đó là lý do tại sao quy mô lây lan của ký sinh trùng là rất khó đánh giá.
Các nhà khoa học Thụy Sĩ và các đồng nghiệp của họ từ Campuchia và Thái Lan đã tiến hành đánh giá đầu tiên đối với giun lươn (Strongyloides stercoralis), gây ra cái gọi là "bệnh tiêu chảy Bắc Bộ" - các vấn đề về dạ dày và bệnh giun chỉ bạch huyết.
Thông thường, ký sinh trùng loại giun này xâm nhập vào cơ thể con người hầu như không ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của anh ta, tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi khả năng miễn dịch bị yếu đi do suy dinh dưỡng, mệt mỏi hoặc nhiễm HIV, loài giun này gần như sẽ giết chết người mang mầm bệnh.
Các bác sĩ phương Tây lần đầu tiên phát hiện ký sinh trùng này vào giữa thế kỷ trước, khi khám cho các tù nhân trại tập trung Nhật Bản ở Đông Nam Á, nhưng sau đó sự nghiên cứu quy mô lớn về sự lây lan của nó đã không được thực hiện. Các tác giả bài báo đã lấp đầy khoảng trống này bằng cách kiểm tra các mẫu nước tiểu của 7000 người ở Campuchia.
Trứng giun lươn không thể nhận thấy trong phân người, đó là lý do tại sao các nhà khoa học phải dùng phương pháp mới để phát hiện, dựa vào những mảnh kháng thể mà vật chủ tạo ra khi bị lây nhiễm giun. Một số trứng giun lươn lọt vào nước tiểu, cho phép phát hiện chính xác dấu vết nhiễm bệnh, ngay cả trong trường hợp nó không ảnh hưởng đến cuộc sống của vật chủ.
Kết quả nghiên cứu này khiến các nhà sinh học vô cùng ngạc nhiên. Hóa ra, cứ 3 cư dân Campuchia thì có 1 người bị lây nhiễm giun lươn Strongyloides stercoralis, và xác suất lây ký sinh trùng là rất cao ở tất cả các tỉnh của nước này. Ở một số tỉnh, theo ghi nhận của Odermatt, dấu vết của giun tròn đã được tìm thấy trong cơ thể một nửa số người tham gia thí nghiệm.
Các nhà khoa học hy vọng rằng kết quả nghiên cứu của họ sẽ thu hút sự chú ý của các chuyên gia và quan chức WHO, cũng như chính quyền Campuchia. Theo Odermatt và các đồng nghiệp, sự phổ biến rộng rãi giun lươn, số lượng người bệnh rất cao và các yếu tố tự nhiên khác nhau sẽ làm phức tạp đáng kể cuộc chiến chống dịch bệnh, vì Ivermectin, loại thuốc duy nhất có thể tiêu diệt ký sinh trùng này, rất đắt tiền - một liệu trình điều trị sẽ tốn khoảng 50 USD.
Vì lý do này, các tác giả bài báo đề xuất hoặc phát triển một loại thuốc tương tự rẻ hơn của thuốc Ivermectin, hoặc suy nghĩ về cách chống giun lươn Strongyloides stercoralis lây lan trong tự nhiên, thành phố và làng mạc, và để giảm nguy cơ lây truyền từ người này sang người khác.