Tổng giám đốc Tập đoàn MiG Ilya Tarasenko có cuộc phỏng vấn dài với Sputnik. Ngoài các khía cạnh thuần túy kinh tế về công việc của Tập đoàn (triển khai công nghệ đổi mới vào quy trình kinh doanh, thực hiện đúng hạn các hợp đồng), cũng như hiện đại hóa, chế tạo các loại máy bay chiến đấu mới (máy bay đánh chặn tầm xa) và UAV quân sự, ông Ilya Tarasenko cũng đề cập đến vấn đề đa dạng hóa sản xuất. MiG đã khởi công một dự án hàng không dân dụng rất quan trọng. Cùng với công ty Ilyushin, họ sẽ khôi phục việc sản xuất máy bay IL-114 hoạt động tầm bay ngắn hai động cơ.
“Chúng tôi đã khởi động dự án IL-114 và tôi coi đây là một bước đi chính xác để đa dạng hóa việc kinh doanh, - tổng giám đốc tập đoàn MiG lưu ý. - Đối với chúng tôi, dự án này vô cùng quan trọng và đầy trách nhiệm. Vì yêu cầu đối với phương tiện hàng không dân dụng còn cao hơn cả quân sự. Từ quan điểm phát triển tài liệu, chế tạo và bảo trì trong tương lai. Chúng tôi đang ở giai đoạn chuyển từ thiết kế sang sản xuất và tiền sản xuất. Hiện nay chúng tôi đang làm việc với Cục thiết kế Ilyushin trong một không gian thông tin duy nhất, và đây là một ví dụ sinh động về sự hợp tác thành công dùng kỹ thuật số trong thiết kế máy bay. Mọi việc hoạt động trong chế độ làm việc trực tuyến. Chúng tôi nhìn thấy triển vọng của hệ thống thông tin như vậy trong dịch vụ hậu mãi của loại máy bay này, kể cả về hậu cần”.
IL-114 không thể được gọi là một cỗ máy hoàn toàn mới. Việc phát triển đã được Cục thiết kế Ilyushin thực hiện từ đầu những năm 1980. Máy bay được cho là hiện đại về mặt kỹ thuật, nhưng không hề thua kém những sản phẩm tiền nhiệm đã lỗi thời An-24, Yak-40 và một phần nào đó Tu-134, về mặt dễ vận hành và độ tin cậy cao.
Đã có quyết định chế tạo máy bay cánh quạt – hiệu quả kinh tế cao hơn so với tuabin khí. Bởi vì máy bay tầm ngắn nội địa không thực sự cần thiết đến tốc độ bay cao . Chiếc Il-114 đầu tiên cất cánh bay lên bầu trời vào tháng 3 năm 1990, nhưng chỉ nhận được chứng chỉ vào năm 1999. Ban đầu được sản xuất tại ... Uzbekistan - tại nhà máy sản xuất máy bay Tashkent. Cho đến năm 2012, mới chỉ sản xuất khoảng 20 chiếc, được vận hành ở Uzbekistan, Kazakhstan và Nga. Sau đó, trong nhiều năm, số phận chiếc máy bay vẫn chưa rõ ràng, và chỉ đến mùa thu năm 2015, mới có quyết định tiếp tục xuất xưởng ở Nga trong phiên bản hiện đại hóa (IL-114-300). Nơi sản xuất được xác định là nhà máy chế tạo máy bay tập đoàn "MiG" tại thành phố Lukhovitsy (ngoại ô Moskva), nơi trước đây chưa từng chế tạo thiết bị dân sự.
Nói bằng ngôn ngữ kỹ thuật một cách “khô khan”, IL-114 là "máy bay cánh thấp hai động cơ với cánh dạng thẳng được cơ giới hóa và cánh đuôi đơn thăng bằng", hoạt động ở mọi vùng khí hậu nào. Sức chở 64 hành khách, phi hành đoàn - 2 người. Phạm vi bay - lên tới 1500 km, tốc độ - 500 km / h. Hai động cơ tua-bin cánh quạt Klimov TV7-117CT với 6 cánh quạt ít tiếng ồn với tổng công suất khi cất cánh 6000 mã lực. Trọng lượng cất cánh tối đa - 23,5 tấn. Chiều dài đường băng để cất cánh, IL-114 cần 1400 mét, và chỉ 550 mét để hạ cánh. Một số ưu điểm khác của máy bay - độc lập với các nguồn năng lượng bên ngoài, hệ thống điện tử hàng không và điều hướng kỹ thuật số hiện đại, thang lên xuống tích hợp - cho phép vận hành tại các sân bay có trang bị kém. Sản phẩm ngoại quốc tương đồng gần nhất với IL-114 (về đặc tính kỹ thuật) có thể được coi là ATR-72.
Trước câu hỏi của Sputnik, việc chuẩn bị sản xuất đang ở giai đoạn nào (chính xác hơn là việc khôi phục sản xuất), và tính hợp lý về mặt kinh tế của máy bay cánh quạt ra sao, tổng giám đốc tập đoàn MiG trả lời:
“Đã bắt đầu sản xuất các cơ phận riêng rẽ tại nhà máy Voronezh (xí nghiệp chuyên sản xuất máy bay Il) và tại nhà máy Sokol ở Nizhny Novgorod (chi nhánh của tập đoàn MiG). Công đoạn lắp ráp cuối cùng sẽ được thực hiện tại Lukhovitsy. Chuyến bay đầu tiên dự kiến vào tháng 11 năm 2020. Nếu chúng ta nói về kinh tế, thì máy bay cánh quạt có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các máy bay "hoàn toàn" phản lực (tuabin khí và tua bin phản lực). Ngoài ra, IL-114 không kén chọn các điều kiện hoạt động và đặc biệt - đối với chất lượng của đường băng. Nhân tiện tôi xin nhắc lại, các đồng nghiệp công ty Ilyushin đã liên lạc với khách hàng nước ngoài, kể cả từ Đông Nam Á. Vì vậy, chiếc máy bay này có tiềm năng cả trên thị trường trong và ngoài nước”, Ilya Tarasenko cho biết.
Cần nhắc lại việc vào năm ngoái, tại triển lãm đa nghành Vietnam Expo-2018, trong cuộc gặp gỡ giữa thứ trưởng Bộ Công thương Liên bang Nga với người đồng cấp Việt Nam, đã từng đưa ra đề xuất về khả năng tổ chức cơ sở lắp ráp IL-114 thứ hai tại Việt Nam.