Hôm 25/6, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ được ký vào ngày 30/6 tới tại Hà Nội. Hiệp định cho phép nhiều sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam hưởng thuế 0%, trước đó giảm theo lộ trình cam kết.
Theo Bộ, nhóm mặt hàng ôtô nguyên chiếc, linh, phụ kiện, phụ tùng ôtô, xe máy sẽ được điều chỉnh như sau:
- Ôtô dung tích động cơ trên 2,5 lít với xe chạy diesel, trên 3 lít đối với xe chạy xăng có thuế nhập khẩu về 0% sau 9 năm.
- Các loại ôtô khác áp dụng lộ trình cam kết giảm thuế trong vòng 10 năm.
- Các loại phụ tùng ôtô xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 7 năm.
- Xe máy thường và xe máy trên 150 phân khối có thuế nhập khẩu 0% sau lần lượt 10 năm và 7 năm.
Nếu những khoản thuế khác ảnh hưởng đến giá xe như Tiêu thụ đặc biệt, Giá trị gia tăng không thay đổi sau 9 năm nữa, ôtô, xe máy nhập khẩu từ các nước thuộc EU vào Việt Nam sẽ giảm giá mạnh. Bởi hiện nay, ôtô nhập khẩu từ EU chịu thuế 70%, trừ những trường hợp đặc biệt có quy định riêng.
Ví dụ, một mẫu BMW Series 5 nhập khẩu Đức có giá xuất xưởng 48.900 Euro. Xe nhập về Việt Nam chịu thuế 70%, tương đương 34.230 Euro (xấp xỉ 38.940 USD và hơn 900 triệu Việt Nam Đồng theo thời giá hiện tại). Khi áp dụng mức thuế nhập khẩu 0%, giá chiếc Series 5 không phải cõng thêm một khoản thuế tương đương chiếc Mazda CX-5 mới.
Nội dung Hiệp định EVFTA cũng cho biết, cam kết thuế của Việt Nam không áp dụng đối với xe đã qua sử dụng, cả xe con và xe 10 chỗ trở lên cũng như xe chở hàng.
Hiện nay, ôtô con nhập khẩu châu Âu vào Việt Nam chủ yếu thuộc các dòng xe sang của BMW, Mercedes, Audi, Jaguar-Lange Rover, Volvo, Maserati... Ở phân khúc tiệm cận hạng sang có một số dòng của Volkswagen như Passat, sắp tới là SUV Toureg. Suzuki từng nhập Vitara từ Hungary nhưng hiện tạm dừng.
"Hiệp định EVFTA là tín hiệu đáng mừng với hầu hết các hãng có xe nhập từ châu Âu", ông Võ Tuấn Anh, giám đốc Volkswagen Việt Nam cho biết. "Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để nói về chuyện giá xe giảm bao nhiêu khi lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn chưa được công bố, trong khi mức 0% còn đến 7-10 năm".
Hiệp định Thương mại tự do ASEAN cho phép ôtô có tỉ lệ 40% nội địa hóa linh kiện, xuất khẩu sang các nước thành viên được hưởng thuế 0%. Bắt đầu từ nửa sau 2018, làn sóng đổ bộ của ôtô từ Indonesia và Thái Lan vào Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, giá xe không vì thế giảm so với năm trước đó.
"Ôtô nhập khẩu châu Âu tương tự xe nhập ASEAN, có cơ hội giảm giá. Nhưng hãy bình tĩnh, đó mới chỉ là tính toán về mặt lý thuyết", sếp phụ trách bán hàng một hãng xe Nhật tại Việt Nam, nói.
Đưa ra lộ trình thuế ưu đãi 0% với nhiều mặt hàng nhập khẩu châu Âu nhưng Việt Nam vẫn giữ một số hạn chế về đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô-xe máy để phù hợp với quy hoạch của Chính phủ. Trong đó có thể có các ưu tiên riêng cho nhà đầu tư nội địa.