Trước đó, Konyukhov và người đứng đầu liên đoàn thể thao máy bay Nga Serge Ryabchinsky đã lái thành công chiếc máy bay dùng pin mặt trời từ Matxcơva đến Crưm. Trong hai ngày ánh sáng, phi hành đoàn đã vượt qua quãng đường 1,7 nghìn km.
“Chuyến bay đến Crưm là một chuyến bay huấn luyện trước một thử nghiệm có quy mô lớn hơn. Giai đoạn tiếp theo sẽ là chuyến bay xuyên nước Nga - từ Matxcơva đến Kamchatka, qua các dãy núi Ural và hồ Baikal”, ông Konyukhov nói với Sputnik.
Theo ông, chuyến bay trên quãng đường dài như vậy có tầm quan trọng rất lớn xét từ góc độ khoa học và sẽ trở thành giai đoạn thứ hai trước một chuyến bay thẳng vòng quanh thế giới bằng năng lượng của mặt trời, dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2021.
Ông Konyukhov cho biết: “Trong khi đang thiết kế máy bay dùng năng lượng mặt trời có khả năng bay vòng quanh thế giới mà không cần dừng và sạc pin trong vòng bảy ngày, chúng tôi đang thực hiện các chuyến bay thử nghiệm trên nguyên mẫu, đó là phi cơ “Phòng thí nghiệm bay”.
Phi cơ "Phòng thí nghiệm bay" được trang bị các mô-đun năng lượng mặt trời linh hoạt sản xuất tại Nga và hệ thống lưu trữ năng lượng. Nhiệm vụ của chuyến bay là kiểm tra công việc của các mô-đun năng lượng mặt trời ở các độ cao khác nhau, ở các góc khác nhau so với mặt trời và ở các vĩ độ địa lý khác nhau. Sải cánh của máy bay là 25 mét, trọng lượng của phi cơ là 900 kg.