Văn bản vừa nêu kết luận rằng số nhân viên kỹ thuật then chốt được Huawei tuyển dụng có thể có mối liên kết chặt chẽ với việc thu thập thông tin tình báo và các hoạt động quân sự. Một số nhân viên có thể được gắn kết với các trường hợp cụ thể về tấn công mạng hoặc hoạt động gián điệp công nghiệp chống lại các công ty phương Tây.
Tiết lộ trên có thể làm gia tăng mối lo ngại giữa các chính phủ đang phân tích lời khẳng định rằng Huawei gây ra mối nguy cơ về an ninh quốc gia.
Một số quốc gia đang lo lắng rằng Huawei có thể cài đặt cái gọi là "cửa sau" trong thiết bị mạng viễn thông cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập dữ liệu người dùng. Huawei đã nhiều lần phủ nhận chuyện họ sẽ tham gia vào hoạt động này.
Nhóm thực hiện công trình - ông Christopher Balding, phó giáo sư tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam, và nhóm chuyên gia tư vấn Henry Jackson Society có trụ sở tại London - Anh - đã nghiên cứu kỹ hồ sơ của các nhân viên Huawei vốn bị rò rỉ trực tuyến từ các cơ sở dữ liệu và trang web không bảo mật được các công ty tuyển dụng điều hành.
Phản ứng trước tiết lộ trên, Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Hoàn Cầu Thời Báo tuyên bố rằng cựu nhân viên quân sự gia nhập các công ty tư nhân là chuyện bình thường.
Ông này cũng lên tiếng cáo buộc chuyên gia Balding và Henry Jackson Society đã thực hiện công trình nghiên cứu trên vì các mục đích chính trị.
"Chúng tôi không tranh luận rằng việc thuê cựu nhân viên quân sự (có nghĩa là) tổ chức của quý vị là một mặt trận gián điệp. Chỉ đơn giản là tôi không nói bất cứ điều gì thuộc thể loại đó nhưng đó là những gì họ đang cố gắng đúc kết thành một. Tôi nói rằng theo lời kê khai của nhân viên Huawei trong lý lịch của họ, họ nắm giữ các vị trí kép cho các đơn vị thu thập thông tin tình báo và chiến tranh điện tử của Trung Quốc trong khi làm việc cho Huawei hoặc nhận lệnh từ hoặc phối hợp với nhà nước Trung Quốc. Đó là điều đáng lo ngại sâu sắc" - ông Balding nói với kênh CNBC.