Các máy bay ném bom - tên lửa chiến lược trong trang bị là một phần không thể thiếu trong bộ ba hạt nhân của các quốc gia hùng mạnh nhất về quân sự. Và nếu cần thiết, chúng có thể ném xuống hàng chục tấn bom và tên lửa hành trình thông thường lên lãnh thổ kẻ địch. Sputnik điểm qua các phương tiện chiến đấu đáng gờm nhất của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga, Không quân Hoa Kỳ và Không quân Trung Quốc
Không thể nhận thấy
Máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-2 Spirit của Mỹ, do công ty Northrop Grumman phát triển, đã gia nhập Không quân Hoa Kỳ vào năm 1997. Đây là máy bay "chiến lược" tàng hình đầu tiên trên thế giới được sản xuất hàng loạt và cũng là chiếc máy bay đắt nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Đặc tinh tàng hình có được do thiết kế ban đầu (sơ đồ «cánh bay»), lớp phủ thân máy bay bằng các vật liệu hấp thụ sóng vô tuyến, cũng như động cơ đặc biệt có màn che chắn luồng khí phản lực. B-2 mang theo tới 27 tấn vũ khí, bao gồm bom và tên lửa hạt nhân và có tầm hoạt động hơn 11000 km ở độ cao 15000 mét mà không cần tiếp nhiên liệu. Nhưng đó chỉ là tầm bay, còn bán kính chiến đấu thực sự khiêm tốn hơn nhiều - 5300 km. Ngoài ra, B-2 là máy bay cận âm, tốc độ tối đa -1010 km / h (tốc độ âm thanh trong không khí là 1.224 km / h).
Ban đầu B-2 được thiết kế để vượt qua chiều sâu phòng thủ dày đặc. Tuy nhiên chiếc máy bay này vẫn chưa có cơ hội gặp một đối thủ thực sự xứng đáng. Lần đầu tiên được sử dụng trong chiến dịch của NATO ở Nam Tư, và sau đó ở Iraq, Afghanistan và Libya. Tổng cộng, Không quân Hoa Kỳ chỉ có 19 máy bay loại này và Lầu năm góc hiện tại không có kế hoạch tiếp tục sản xuất thêm. Thực tế là B-2 Spirit mới cũng quá đắt, ngay cả đối với người Mỹ. Cùng với chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), mỗi chiếc B-2 tiêu tốn cho quân đội hơn 2 tỷ đô la.
Nặng nhất và bay nhanh nhất
Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160 "Thiên nga trắng" (theo mã NATO - Blackjack) được trang bị trong Không quân Liên Xô từ năm 1987. Cỗ máy này giữ kỷ lục thế giới tuyệt đối về tải trọng chiến đấu, động cơ mạnh nhất (tổng lực đẩy - 100.000 kgf), trọng lượng cất cánh tối đa lớn nhất (275 tấn) và ... bay nhanh nhất trong cùng loại (2300 km / h). Một chiếc Tu-160 có thể "mang theo 45 tấn vũ khí ” cất cánh lên bầu trời (B-2: 27 tấn, B-1: 34 tấn, B-52: 22 tấn). Phạm vi hoạt động gần 14 000 km, bán kính chiến đấu là 7300 km. Trần bay 16000 mét.
Tu-160 thực sự tham chiến ở Syria. Vào tháng 11 năm 2015, «Thiên nga trắng» đã phóng tên lửa hành trình Kh-555 vào các mục tiêu phiến quân IS và sau đó đã được sử dụng nhiều lần trong chiến dịch Syria. Trong thành phần VKS của Nga tại thời điểm này có 16 chiếc Tu-160 và Tu-160M1. Theo chương trình vũ khí cấp nhà nước, máy bay được lên kế hoạch nâng cấp lên phiên bản M2, sẽ nhận được các thiết bị điện tử hàng không mới nhất (bao gồm hệ thống dẫn đường, tác chiến điện tử và điều khiển vũ khí).
Giàu kinh nghiệm chiến đấu nhất
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress, được đưa vào hoạt động từ năm 1955, vẫn là phương tiện ném bom tầm xa chính của Không quân Hoa Kỳ ít nhất đến năm 2040. Hiện giờ trong biên chế có 70 chiếc B-52H. Phạm vi hoạt động 16100 km, bán kính chiến đấu 7210 km và tốc độ tối đa 957 km mỗi giờ. Tải trọng mang theo lên tới 31,5 tấn vũ khí khác nhau.
B-52 được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Tổng cộng, Không quân Hoa Kỳ đã mất hơn 30 máy bay ném bom loại này trong chiến tranh Việt Nam, và một nửa số đó là trong Chiến dịch Linebacker II năm 1972 (các vụ đánh bom lớn vào Hà Nội và Hải Phòng). Sau đó, B-52 hoạt động ở Iraq, Afghanistan, Nam Tư, đã ném bom các căn cứ IS ở Syria. Gần đây hơn, vào cuối tháng 6 năm 2019, B-52 đã tham gia thử nghiệm tên lửa chiến thuật siêu thanh mới AGM-183A. Bất chấp tuổi tác, cựu chiến binh từ thời Chiến tranh Lạnh vẫn là một cỗ máy chiến đấu đáng gờm, giống như "đối thủ" - máy bay mang tên lửa, tuabin cánh quạt của Nga Tu-95MS.
Đa năng nhất
Máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 (mã NATO - Backfire), hoạt động từ năm 1983 (chính phiên bản này), được coi là "người lính đa năng" của Không quân tầm xa Nga. Được thiết kế thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu tại các chiến trường trên bộ và trên biển, có thể tiêu diệt các mục tiêu di động hay đứng yên, công trình đơn lẻ hay khu vực diện rộng bằng tên lửa và bom cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện khí tượng đơn giản và phức tạp. Tốc độ lên tới 2200 km mỗi giờ, phạm vi hoạt động 6800 km. Trần bay 13300 mét. Có thể mang theo 12 tấn bom và tên lửa. Bán kính chiến đấu 2400 km ở tốc độ cận âm và 1850 km ở tốc độ siêu thanh.
Lần đầu tiên, Tu-22M3 tham gia thực chiến vào năm 1988 tại Afghanistan, sau đó được sử dụng trong chiến sự ở Bắc Kavkaz và trong chiến dịch buộc Gruzia tuân thủ hòa bình vào tháng 8 năm 2008. Kể từ tháng 11 năm 2015, các máy bay này đã tham gia hoạt động quân sự ở Syria, oanh tạc chính xác các cứ điểm khủng bố bằng bom thả tự do nhờ tổ hợp ngắm và điều hướng chính xác «Gefest».
VKS của Nga hiện có 61 máy bay loại này. Phiên bản sửa đổi Tu-22M3M, đang được chế tạo, có thể sử dụng các tên lửa «không đối đất» Kh-32 mới nhất.
Số lượng nhiều nhất
Máy bay ném bom phản lực Trung Quốc Xian H-6 - bản sao được cấp giấy phép sản xuất từ Tu-16 của Liên Xô - đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1959 và sau đó được nâng cấp nhiều lần. Giờ đây, Không quân và Hải quân Trung Quốc có 170 máy bay loại này các phiên bản khác nhau - con số tối đa trong số các "bạn cùng lớp". Xian H-6 có khả năng mang bom, bao gồm tên lửa hành trình nhiệt hạch, «không đối đất» và «không đối hải”. Bản sửa đổi mới nhất H-6K, được đưa vào sử dụng năm 2011, đã nâng cấp động cơ, hệ thống điện tử hàng không, cửa nạp khí và buồng lái. Trọng lượng cất cánh tối đa 79 tấn, tốc độ tối đa 1050 km / h. Trần bay 12800 mét. Tải trọng lên đến 12 tấn. Bán kính chiến đấu rất khiêm tốn - 3000 km, nhưng giờ đây máy bay có thể mang theo tên lửa hành trình mới CJ-10A có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 2500 km. Do đó các máy bay ném bom cất cánh từ vùng lân cận Quảng Châu, có thể tấn công các mục tiêu trên đảo Guam. Do vậy máy bay chiến lược của Trung Quốc, mặc dù «tuổi thọ rất cao", nhưng vẫn hoàn toàn có khả năng sẵn sàng chiến đấu.