Theo đó, nếu được thành phố chấp thuận đề xuất, công ty này sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm công suất 156.000 m3/h dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây, sau đó nước sẽ được xả từ hai cửa Hồ Tây A và B chảy vào sông Tô Lịch.
Phương án bơm nước từ sông Hồng để “giải cứu” sông Tô Lịch được kỳ vọng sẽ đồng bộ với hai giải pháp mà Hà Nội đang và sẽ thực hiện để làm sạch sông Tô Lịch, bao gồm: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (làm sạch nguồn nước các sông Tô Lịch, Sét, Lừ và Nhuệ); đầu tư hệ thống cống hai bên sông để thu gom nước thải, giúp sông Tô Lịch không còn ô nhiễm.
GS.TSKH Lê Huy Bá (nguyên Viện trưởng Viện khoa học công nghệ và Quản lý Môi trường Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho biết, việc bơm nước từ sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch là một sai lầm bởi giải pháp này sẽ chuyển ô nhiễm từ nội đô ra hạ lưu.
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, các giải pháp từ trước đến nay để làm sạch sông Tô Lịch chỉ dừng lại ở phần ngọn, chưa đi vào căn cơ, giải quyết gốc rễ của vấn đề. Bởi vì sông Tô Lịch được xem là “sông chết”, không có dòng chảy, trong khi đó lượng nước thải vẫn hàng ngày, hàng giờ từ nhiều khu vực ở nội thành đổ vào con sông này.
GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng, kế hoạch bơm nước từ sông Hồng để “giải cứu” sông Tô Lịch là không khả thi, chỉ là giải pháp tình thế, không xuất phát từ căn nguyên của vấn đề.
“Giải pháp này có thể làm được trong mùa nước lớn vì lượng nước phải bơm ít đi, còn về mùa khô khó có thể hoàn thành. Chung quy lại thì đây cũng chỉ là giải pháp pha loãng, mà nguyên tắc pha loãng theo nhìn nhận của các nhà khoa học không thực sự tốt. Bởi vì tổng lượng nước đổ từ sông Hồng vào sông Tô Lịch sẽ chảy vào nhánh sông Hồng ở điểm Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… rồi ra biển. Điều này vô hình trung đang chuyển ô nhiễm từ nội đô ra hạ lưu.
Đây là một sai lầm. Việc đổ nước vào dòng sông “chết”, bẩn, ô nhiễm như vậy để lan tỏa ra khắp nơi là không thể chấp nhận được. Như vấn đề ống khói cũng vậy, để xử lý vấn đề ống khói nhiều người nghĩ rằng sẽ làm ống khói cao lên. Tuy nhiên, đây không phải là một cách xử lý. Đó chỉ là việc chúng ta đánh lừa nhau, bởi rằng độc tố vẫn tồn tại trong không khí, không thể giải quyết được”, GS.TSKH Lê Huy Bá lập luận.
GS. TSKH Lê Huy Bá cũng cho hay:
“Chưa có nước nào trên thế giới thực hiện theo phương pháp này. Một số nước tiên tiến có dòng sông ngầm, xử lý nước thải bằng cách xử lý sơ bộ trước, sau đó mới chuyển dòng chảy này đến một dòng chảy khác để tiếp tục xử lý, sau đó mới đưa ra sông và ra biển”.
Bên cạnh đó, GS.TSKH Lê Huy Bá cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng, quy hoạch hệ thống xử lý nước thải đô thị theo hướng phân cấp.
“Nếu không lập lại hệ thống xử lý từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn thì những giải pháp, công nghệ trên là không “ăn thua”, không mang lại hiệu quả. Việc bơm nước sông Hồng vào để làm sạch nước sông Tô Lịch là chúng ta đang làm tắt".
Cần phải xử lý từ nhà máy trở đi cho đến khu vực cục bộ, khu vực trung chuyển sau đó mới đến nơi xả thải. Và khi xả như vậy cần kiểm định, kiểm tra, đánh giá xem chất lượng nước đã đạt chưa, nếu không đạt thì không được xả như vậy. Các nước hiện nay vẫn làm vậy,
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này là không dễ, bởi từ trước đến nay chúng ta chưa thực hiện nghiêm, làm cho qua chuyện, không có bài bản nên giờ phải làm lại từ đầu nên sẽ rất khó khăn.
Lấy ví dụ những hồ rất đẹp ở Hà Nội như hồ Tây, hồ Trúc Bạch…, nước thải đổ ra các hồ này dẫn đến cá chết hàng loạt. Điều này xuất phát từ việc chúng ta chưa có hệ thống quy hoạch một cách bài bản trước khi xây dựng. Kể cả những đô thị mới cũng chưa làm được điều này.
"Các nhà quy hoạch xây dựng hiện vẫn chỉ nghĩ đến xây dựng, không nghĩ đến môi trường. Những vùng, khu vực, đô thị cũ thì có biện pháp bổ sung, thay thế, sửa chữa, còn những khu vực đô thị mới thì cần triệt để phải có hệ thống xử lý nước thải, nước mưa riêng, nước thải riêng. Còn nếu như vẫn nghĩ đến quy hoạch để phân lô, bán nền, không nghĩ đến việc bảo vệ môi trường thì hậu quả sẽ phải gánh chịu”, chuyên gia môi trường Lê Huy Bá cho biết.
Ngoài ra, khi được hỏi về công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch nước sông Tô Lịch của Nhật Bản, GS. TSKH Lê Huy Bá một mặt bày tỏ lạc quan khi bước đầu thử nghiệm đem lại kết quả tích cực, song mặt khác cũng hoài nghi khi áp dụng công nghệ này trên diện rộng.
“Tôi theo dõi rất kỹ về kết quả công nghệ xử lý Nano-Bioreactor của Nhật Bản, không biết có hy vọng được hay không nhưng nghe kết quả thử nghiệm được công bố thì cũng đang có chút tin tưởng nào đấy. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ công nghệ Nano-Bioreactor lại đi xử lý trên một dòng sông dài như sông Tô Lịch thì không biết là có mang lại hiệu quả kinh tế hay không, tôi đang lo ngại điều này. Còn làm một khúc, vài chục mét, 100 mét chắc có hiệu quả. Độ dày của bùn có thể quan sát được, màu và mùi có thể giải quyết được. Tuy nhiên nếu áp dụng lâu dài thì cũng sẽ rất khó”, GS Lê Huy Bá bày tỏ.