Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã công bố danh sách 51 nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp hồ sơ thầu cao tốc Bắc Nam.
Trong số 17 hồ sơ của các doanh nghiệp, liên danh nhà đầu tư trong nước, đáng chú ý có sự xuất hiện của Tập đoàn Sơn Hải, trong Liên danh CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam - Tập đoàn Sơn Hải - Tập đoàn xây dựng Trung Nam.
Từ chuyện bảo hành đường 5 năm
Tập đoàn Sơn Hải là một trong những tập đoàn lớn của tỉnh Quảng Bình. Được thành lập năm 1998, ngành nghề kinh doanh chính của Sơn Hải là xây dựng, bao gồm xây nhà, làm đường, xây hồ chứa nước...
Năm 2014, tên tuổi của Sơn Hải được nhiều người biết đến khi tham gia dự án mở rộng quốc lộ 1A. Lúc bấy giờ, các đoạn đường thường chỉ được các nhà thầu bảo hành 2 năm, nhưng riêng Sơn Hải đã tuyên bố bảo hành tới 5 năm cho 2 gói thầu mà mình thực hiện, là gói thầu số 10 và gói thầu số 14 dài 15km đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình.
Sơn Hải còn cắm các biển "bảo hành 5 năm" dọc các tuyến đường mà mình thi công để người dân tham gia giao thông cùng giám sát.
Hành động này của nhà thầu Sơn Hải lập tức bị dư luận mà đặc biệt là giới thầu xây lắp cho là "PR", "đánh bóng thương hiệu", "chơi trội".
Không chỉ tuyên bố bảo hành lâu hơn thông lệ, Sơn Hải còn cam kết nếu hằn lún vượt mức cho phép thì khắc phục bằng phương pháp bóc toàn bộ lên làm lại, chứ không bù lún theo cách mất mỹ quan hay bù lún đơn lẻ như cách mà nhiều đơn vị làm đường khác hay thực hiện.
Từ cam kết này, Bộ GTVT đã nâng mức bảo hành 2 năm lên 4 năm đối với tuyến quốc lộ 1A, riêng Sơn Hải vẫn giữ nguyên 5 năm bảo hành.
Thực tế, với gói thầu số 10 và 14 do Sơn Hải thi công, sau một thời gian dài đưa vào sử dụng vẫn không bị hằn lún vệt bánh xe, trong khi cùng khoảng thời gian đó, nhiều gói thầu khác đã hằn lún rất lớn.
Bộ Xây dựng, Bộ GTVT… đã cử hơn 10 đoàn kiểm tra 2 gói thầu này với các chuyên gia, kỹ sư cầu đường uy tín kiểm chứng nhiều điểm trên 2 đoạn tuyến này mới thống nhất trong hội đồng xét giải của Bộ Xây dựng và thống nhất trao cho nhà thầu này giải thưởng chất lượng thi công công trình xuất sắc.
Ngoài 2 gói thầu của Sơn Hải, không có gói thầu nào khác đoạt được giải thưởng này.
Theo lý giải của lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải, tập đoàn này biết rõ căn nguyên của hằn lún vệt bánh xe là do đâu, vì thế đã chủ động xử lý triệt để nên mới dám cắm những tấm biển cam kết bảo hành 5 năm, chứ không phải để đánh bóng thương hiệu.
Thực tế, đến thời điểm hiện tại, khi đi qua phần đường do Sơn Hải thi công tại vị trí thuộc 2 gói thầu nêu trên, ai cũng cảm nhận được chất lượng mặt đường cao hơn nhiều so với những đoạn đường khác trên cùng tuyến.
Đến chuyện được đích thân Bộ trưởng chỉ định sửa "con đường đau khổ"
Giữa năm 2015, vấn đề hằn lún trên Quốc lộ 5 được đem ra mổ xẻ. Trong đó, hằn lún tập trung chủ yếu ở gói thầu số 11, đoạn km94-km104.
Đây là đoạn đường hoàn thành từ giữa năm 2013, nhưng chỉ sau 2 năm đã phải trải qua tới 5 lần sửa chữa mà "bệnh cũ vẫn tái phát", với nguyên nhân chính được đưa ra là do lưu lượng xe quá lớn, cao gấp 4-5 lần so với dự tính ban đầu.
Trước tình trạng đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lúc bấy giờ đã yêu cầu mời đích danh Tập đoàn Sơn Hải tiến hành sửa chữa.
"Sửa 6 lần hay 11 lần thì vẫn sẽ lún, nếu như không tìm chính xác nguyên nhân và sửa triệt để thì cứ sửa xong rồi sẽ lại hỏng, vô cùng tốn kém", vị lãnh đạo này nói. Cũng theo lãnh đạo của Sơn Hải, thực tế, Tập đoàn nào cũng biết nguyên nhân tại sao các tuyến đường bị lún, vì đó là câu chuyện chuyên môn ai làm trong nghề cũng nắm được, nhưng do cách quản lý mỗi đơn vị khác nhau, nên mới dẫn đến việc này.
Cụ thể, đối với các Tập đoàn lớn, gói thầu hay được phân công việc về cho các tổ, đội, và tập đoàn không giám sát tiếp việc sửa chữa, bởi còn bận quá nhiều công trình khác, không đủ lực lượng. Hệ quả là số tiền được chi ra để sửa đường lún sẽ bị cắt xén dần qua các tổ, các đội, nên khoản tiền thực chất chi cho sửa chữa là vô cùng ít".
Còn đối với Sơn Hải, là một công ty tư nhân nên công ty trực tiếp mua vật liệu, trực tiếp lựa chọn vật liệu, không khoán cho các tổ, đội, không nhận cùng lúc nhiều công trình nên đảm bảo được chất lượng thi công.
Đối với đoạn đường trên Quốc lộ 5, Sơn Hải đánh giá, các nhà thi công cũ đã cào bóc quá mỏng, dù sửa chữa lại nhưng vẫn chỉ trải thảm lại 3-4 cm nên không thể chịu được trọng tải lớn. Vì vậy, Sơn Hải quyết định cào bóc toàn bộ khối lượng thảm bê tông nhựa gói 11 của các nhà thầu trước đây đã thi công.
Tham gia những dự án nghìn tỷ, quy mô vừa tăng vọt 3 lần
Sau hơn 20 năm phát triển, Tập đoàn Sơn Hải đã tham gia thực hiện nhiều dự án trong và ngoài tỉnh như: Dự án đường An Sơn, huyện Lệ Thủy; Dự án nuôi trồng thủy sản xã Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn ; Dự án đường 11 nối Đông và Tây Trường Sơn thuộc huyện Bố Trạch ; Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Bình ; Dự án trọng điểm Quốc gia hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; Dự án đường cao tốc La Sơn – Túy Loan đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng; Dự án hồ chứa nước Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng; Dự án hồ chứa nước Ngàn Trươi, tỉnh Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Chiến lược phát triển của Tập đoàn Sơn Hải không chỉ dừng lại là nhà thầu xây lắp mà còn phát triển nhiều ngành nghề kinh doanh khác như: Xăng dầu, sản xuất và xuất khẩu lâm sản, bất động sản, đầu tư điện năng tái tạo… Hiện nay, Tập đoàn Sơn Hải có hơn 1.000 cán bộ, công nhân, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2016 đến 2018, Sơn Hải duy trì vốn điều lệ trong khoảng 400-500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2018 vừa qua, vốn điều lệ công ty đã tăng mạnh lên 791,1 tỷ đồng và đến cuối năm 2018 tăng tiếp lên 2.310 tỷ đồng.
Trong cơ cấu cổ đông của Sơn Hải hiện nay, ông Nguyễn Viết Hải nắm 99,9% vốn. Cơ cấu vốn của Sơn Hải và các chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, người dại diện theo pháp luật liên tục được thay đổi trong khoảng 3 năm trở lại đây.