Sau đó, buổi chiều cùng ngày, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú cũng làm việc với lãnh đạo Trung tâm nhân quyền phụ nữ kết hôn di trú tỉnh Nam Jeolla, đề nghị tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các cô dâu người Việt đang sinh sống và làm việc tại địa phương nhằm tránh tái diễn trường hợp đáng tiếc xảy ra gần đây.
Giám đốc Trung tâm nhân quyền phụ nữ lần lượt nói: “Các cơ quan chức năng Hàn Quốc đang tích cực điều tra xử lý nghiêm vụ việc, đồng thời khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để nạn nhân bị chồng bạo hành nói trên được ly hôn, hưởng quyền nuôi con và cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc theo nguyện vọng”.
Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú cũng đã gặp gỡ, thăm hỏi, nắm bắt tâm tư và động viên một số cô dâu người Việt hiện đang sinh sống tại thành phố Mokpo.
Theo tin tức, tại khu vực tỉnh Jeonnam có khá nhiều cô dâu kết hôn di trú đến từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan… Trong đó, số cô dâu người Việt chiếm tỷ lệ khá đông, chỉ tính riêng khu vực thành phố Mokpo có gần 500 người.
Trước đó Cảnh sát tại Yeongam, tỉnh Jeolla Nam, ngày 6/7 đã bắt khẩn cấp nghi phạm vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc và sợ đối tượng tiếp tục bạo hành vợ mình. Cùng ngày, cảnh sát địa phương đã xin lệnh bắt chính thức với các cáo buộc đánh người, ngược đãi trẻ em và vi phạm luật bảo vệ trẻ em.
Nhiều người Hàn Quốc đã bày tỏ phẫn nộ và lên án gay gắt hành vi bạo lực của người đàn ông 36 tuổi này, cho rằng với bản tính của anh ta thì ngay cả vợ Hàn Quốc cũng bị đánh. Khoảng 10.000 người đã ký đơn kiến nghị yêu cầu giới chức xử phạt thật nặng hành vi "không thể chấp nhận được" của người chồng.
Ông Min Gap Ryong, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia của Hàn Quốc, nói rất lấy làm tiếc vụ cô dâu Việt bị chồng đánh đập tàn nhẫn xảy ra tuần qua. Ông cam kết các lực lượng chức năng Hàn Quốc sẽ điều tra đến cùng vụ việc, theo Yonhap.
Theo một nghiên cứu vào năm 2015 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình (MOGEF), 6,4% người vợ nhập cư ly hôn chia sẻ vấn đề bạo lực và đối xử tệ bạc là lý do khiến họ không thể chung sống thêm với chồng.
Tại các gia đình có quan điểm phân biệt giới tính ở Hàn Quốc, vợ chồng không có thứ bậc ngang hàng nhau về quyền lực trong nhà, đặc biệt là với những gia đình có sự chênh lệch tuổi tác trên 10 tuổi.