Theo báo The Washington Post, thông tin nhạy cảm xuất hiện trong tài liệu có tiêu đề "Kỷ nguyên mới của răn đe hạt nhân? Hiện đại hóa, kiểm soát vũ khí và lực lượng hạt nhân đồng minh". Ở đây chúng ta đang nói về các căn cứ không quân ở các nước đồng minh châu Âu, nơi bom hạt nhân B61 của Mỹ đang được cất giữ. Về các căn cứ quân sự này - trong tài liệu của Sputnik.
Tiền đồn tại Ý
Căn cứ không quân Aviabano của Không quân Hoa Kỳ ở phía đông bắc nước Italia - vùng Friuli-Venezuela, cách thành phố Udine 50 km về phía tây, đã được không quân Mỹ và Ý điều hành từ năm 1954. Đường băng dài 2620 mét và rộng 45 mét, cho phép cất hạ cánh bất kỳ loại máy bay nào. Thiết bị định vị và chiếu sáng sân bay cho phép thực hiện các chuyến bay trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm. Năm 1999, nơi đây đóng vai trò là căn cứ chính của máy bay NATO trong chiến dịch đánh bom Nam Tư. Chính từ đây, các máy bay chiến đấu tàng hình F-117 được chuyển tới từ Mỹ, đã cất cánh ném bom các thành phố Serbia. Sau đó, căn cứ được sử dụng cho các hoạt động của Mỹ và NATO ở Iraq, Afghanistan và Libya.
Hiện nay tại Aviano đóng quân đơn vị máy bay chiến đấu số 31 Không quân Hoa Kỳ, bao gồm hai phi đội chiến đấu cơ – số 510 và số 5 – trang bị F-16CG / DG. Những máy bay này có thể mang theo bom hạt nhân B61. Theo dữ liệu từ các nguồn mở, có tới 35 quả bom loại này được lưu trữ tại Aviano trong 12 kho chứa được bảo vệ kỹ lưỡng. Khoảng hơn 40 quả bom khác được cất giữ tại căn cứ không quân Gedi-Torre ở miền bắc Italy, cách Brescia 15 km. Chịu trách nhiệm ở đây là Phi đội 704 chịu trách nhiệm về bom đạn của Không quân Hoa Kỳ. Ngoài ra Gedi-Torre chính là tiêu điểm phản đối của dân Ý, không phải ai ở Ý cũng hài lòng với sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ. Do đó vào tháng 10 năm 2016, hội đồng khu vực Tuscany đã phê chuẩn một nghị quyết yêu cầu chính phủ tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và đảm bảo việc Hoa Kỳ loại bỏ ngay lập tức mọi loại vũ khí hủy diệt ra khỏi lãnh thổ nước này. Tài liệu lưu ý Italia, với tư cách là thành viên của Nhóm Kế hoạch Hạt nhân NATO, không chỉ cung cấp lãnh thổ cho vũ khí nguyên tử, mà cả các phi công được huấn luyện tấn công hạt nhân hành động dưới sự chỉ huy của Mỹ trên các máy bay ném bom chiến đấu Tornado.
Bom dành cho đồng minh
Báo cáo của Ủy ban Hội đồng Nghị viện NATO cũng đề cập đến căn cứ không quân Mỹ Büchel tại Đức, gần thành phố Kohem, bang Rhineland-Palatinate. Sau khi người Mỹ rút vũ khí hạt nhân khỏi Ramstein năm 2007, căn cứ Büchel vẫn là nơi duy nhất lưu giữ bom B61 ở Đức. Theo dữ liệu từ các nguồn mở, có khoảng 20 quả bom loại này tại đây, do phi đội 702 Không quân Hoa Kỳ chịu trách nhiệm. Đơn vị không quân chiến thuật số 33 Luftwaffe (không quân Đức), sử dụng máy bay ném bom chiến đấu Tornado IDS cũng được đặt tại đây. Đây là phi đội duy nhất trong Không quân Đức có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Máy bayTornado IDS có khả năng mang theo những quả bom này.
22 quả bom khác được cất giữ ở phía đông bắc nước Bỉ - tại căn cứ không quân Klein-Brogel, cách Brussels một giờ đi xe. Đơn vị chiến thuật số 10 Không quân Bỉ được triển khai tại đây trên các máy bay chiến đấu F-16 có khả năng trang bị B61. Phi đội 701 bảo trì đạn dược của Không quân Hoa Kỳ chịu trách nhiệm lưu giữ và chuẩn bị bom đạn để sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh lớn. Vào tháng 1 năm 2010, một nhóm các nhà hoạt động chống lại vũ khí nguyên tử đã xâm nhập vào lãnh thổ của cơ sở quân sự. Họ lặng lẽ đi qua cánh cổng không có người bảo vệ, đi dọc theo đường băng và thậm chí vào khu vực trú ẩn của máy bay F-16. Các lính canh chỉ giam giữ họ vài giờ sau đó. Vụ việc này gây ra sự bất bình mạnh mẽ từ quân đội Mỹ, và kể từ đó các biện pháp an ninh tại căn cứ này đã được tăng cường nghiêm túc.
Theo báo cáo của Hội đồng Nghị viện NATO, trên lãnh thổ Hà Lan, vũ khí hạt nhân Mỹ được giữ tại căn cứ không quân Volkel ở tỉnh North Brabant. Theo dữ liệu nguồn mở, có khoảng 20 quả bom hạt nhân B61 tại đây, thuộc quyền của phi đội bảo dưỡng đạn dược Không quân Hoa Kỳ số 703. Chịu trách nhiệm cho việc sử dụng là các phi đội số 312 và 313 Không quân Hà Lan trên các máy bay chiến đấu F-16. Những người dân địa phương nhiều lần chụp các bức ảnh máy bay cất cánh từ căn cứ với mô hình những quả bom hạt nhân này treo dưới bụng. Chính thức, Chính phủ Hà Lan chưa bao giờ công nhận sự hiện diện của vũ khí hủy diệt hàng loạt Mỹ trên lãnh thổ, nhưng vào năm 2013, điều này đã được xác nhận bởi cựu Thủ tướng Ruud Lubbers.
Khoảng 50 quả bom hạt nhân Mỹ cũng được lưu trữ tại căn cứ không quân Incirlik ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, cơ sở quân sự xa nhất về phía đông châu Âu của Không quân Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh NATO. Đơn vị không quân số 10, cũng như Bộ chỉ huy số 2 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ và đơn vị số 39 Không quân Hoa Kỳ, tham gia vào việc cung cấp và duy trì hoạt động của căn cứ. Chính từ đây, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ bay đến Syria.
Tuy nhiên, số phận của vũ khí hạt nhân hiện diện ở đây không rõ ràng. Vào mùa hè năm 2016, trong cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã cấm các máy bay Mỹ đến và đi từ căn cứ này. Một ngày sau khi cuộc đảo chính thất bại, lực lượng an ninh đã chặn và cắt điện cung cấp cho Incirlik. Theo truyền thông châu Âu, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi rất nhiều, đến nỗi người Mỹ quyết định di dời vũ khí hạt nhân từ Incirlik đến căn cứ Demeselu (Rumani), nơi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Tuy nhiên thông tin này chưa bao giờ được thừa nhận chính thức.