Vị trí của ASEAN trong chính trị thế giới
Các nhà khoa học Nga giải thích rằng, họ đã lựa chọn ASEAN làm chủ đề nghiên cứu bởi vì hiệp hội này đã đạt được nhiều thành công. Trong 50 năm tồn tại, ASEAN biến thành “một mô hình thành công nhất của chủ nghĩa khu vực mở rộng trong số các quốc gia đang phát triển trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa” (tr.10). Một trong những bằng chứng cho sự thành công của Hiệp hội là việc thành lập Cộng đồng ASEAN trong năm 2015, mà các công việc nghiên cứu được dành cho chủ đề này. Đây là cuốn sách chuyên khảo đầu tiên ở Nga về hiện tượng Cộng đồng ASEAN. Điều gì làm cho một cộng đồng khác với một hiệp hội? Các tác giả không đưa ra câu trả lời rõ ràng mà chỉ trích dẫn quan điểm của các chuyên gia Việt Nam cho rằng, cộng đồng là một loại cơ chế tích hợp của một nhóm các quốc gia được tạo ra để phát triển hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế, chính trị và an ninh (tr.31). Cũng có thể nói rằng, Cộng đồng ASEAN là một bước tiến, một cấp độ cao hơn trong quá trình hội nhập các quốc gia Đông Nam Á.
Tôi hoàn toàn đồng ý với các tác giả cuốn sách chuyên khảo khi họ nói rằng, ASEAN với tư cách một tổ chức khu vực có đóng góp to lớn vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển trong một khu vực bị xâu xé bởi những mâu thuẫn và xung đột nội bộ (tr.11).
ASEAN không thể thiếu vấn đề Biển Đông
Các tác gia cuốn sách chuyên khảo viết về cả ba cộng đồng tạo nên Cộng đồng ASEAN: kinh tế, chính trị và an ninh, xã hội và văn hóa. Có một chương riêng về mỗi cộng đồng. Đồng thời, cuốn sách nêu lên các vấn đề đặc biệt cấp bách mà ASEAN phải giải quyết với các nước láng giềng và các cường quốc ngoài khu vực (Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ). Do đó, thật hợp lý khi một trong những tác giả (G. M. Lokshin) phân tích kỹ lưỡng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Là một nhà khoa học, Grigory Lokshin tìm cách duy trì tính khách quan khi xem xét lập trường của các bên. Nhưng, đây là lần đầu tiên trong các tác phẩm của tác giả này, Grigory Lokshin phân tích chi tiết lập trường Bắc Kinh không phù hợp với các quy tắc hiện đại của luật pháp quốc tế (tr.134). Chứng tỏ về điều đó trước hết là việc Trung Quốc từ chối công nhận các vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, và thứ hai, Bắc Kinh sử dụng các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 khi nói về Vịnh Bắc Bộ, nhưng không muốn sử dụng các điều khoản này khi nói về vùng biển quanh Hoàng Sa và Trường Sa. Thứ ba, Trung Quốc không công nhận quyền của tàu thuyền và máy bay của các quốc gia khác đi qua các vùng đặc quyền kinh tế. Vì điểm này, Trung Quốc có những tranh cãi với Hoa Kỳ và các nước Tây Âu.
Nga hướng tới ASEAN
Cuốn sách chuyên khảo của các nhà khoa học từ Viện Viễn Đông đáp ứng tinh thần của mối quan hệ giữa Nga và Hiệp hội. Cuốn sách lưu ý rằng, các hướng hợp tác chính giữa Nga và ASEAN đã được vạch ra gần 10 năm trước. Ngày nay quan hệ đối tác đối thoại Nga-ASEAN là một trong những phương hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một phần không thể thiếu trong sự tham gia tích cực của Nga vào các vấn đề khu vực. Ban lãnh đạo Nga hy vọng rằng, trong tương lai, không gian kinh tế chung EAEU-ASEAN sẽ có tầm quan trọng đặc biệt (tr. 265).
Tác giả Yevgeny Kobelev của cuốn sách chuyên khảo tin rằng, "xương sống của sự hợp tác giữa Nga và ASEAN" là Việt Nam (tr. 259). Tuy nhiên, theo tác giả Kobelev, mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc làm phức tạp mối quan hệ giữa Matxcơva và các nước ASEAN (tr. 268).
Tóm lại, cần lưu ý rằng, người đọc Nga có sẵn một cuốn sách khoa học có giá trị của các chuyên gia cao cấp, phân tích những khía cạnh quan trọng nhất trong tình hình hiện tại ở Đông Nam Á. Điều này chắc chắn sẽ góp phần củng cố sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc của Nga và các nước ASEAN.