Tổng cộng, trong những năm chiến tranh đã có 1.293 máy bay Mỹ đã bị tên lửa tiêu diệt, trong đó có 54 “pháo đài bay” B-52. Chiến công đầu rực rỡ khiến ngày 24 tháng 7 trở thành ngày hội thường niên của Lực lượng Tên lửa phòng không Việt Nam.
Hai chiến công của một anh hùng
Phi công Phạm Tuân, người được đào tạo tại Liên Xô, đã góp phần mình vào thành tích tiêu diệt “pháo đài bay” Mỹ. Trong đợt Không lực Hoa Kỳ ném bom rải thảm xuống các thành phố Hà Nội, Hải Phòng ngay vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1972, Phạm Tuân lái chiếc "MiG-21" của Liên Xô đã thành phi công Việt Nam đầu tiên bắn hạ “B-52”.
Và không lâu trước khi bình minh ló rạng ngày 24 tháng 7 năm 1980 (khi ấy ở Matxcơva vẫn là tối muộn ngày 23), Phạm Tuân trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào không gian xa xôi, trên con tàu vũ trụ Liên Xô "Soyuz-37" do phi hành gia Viktor Gorbatko chỉ huy.
Mọi người ở Việt Nam và Nga đón nhận tin này như thế nào?
“Cảm giác đầu tiên mà tôi trải nghiệm khi nghe tin về chuyến bay, là niềm tự hào về Tổ quốc mình, - nhà văn và dịch giả nổi tiếng của Việt Nam là ông Hoàng Thúy Toàn chia sẻ trong cuộc phỏng vấn của “Đài phát thanh Matxcơva” (tiền thân của Sputnik). - Và tất nhiên, tôi biết ơn Liên Xô, đất nước vĩ đại đã giúp đỡ Việt Nam biến cổ tích huyền thoại về Thánh Gióng thành hiện thực sống động. Ngày hôm đó tôi đang công tác ở miền quê vùng núi. Tôi nghe tin về chuyến bay trên đài truyền thanh trong nhà một người dân địa phương. Tất cả bà con người thân của ông chủ nhà đều lắng nghe thông báo này và trên những khuôn mặt sáng bừng niềm vui phấn khởi tự hào. Ngay lúc đó mọi người tổ chức tiệc mừng theo phong tục địa phương với rượu vodka nấu từ gạo. Đó là lễ hội đích thực. Quả thật là như vậy: đất nước tôi chỉ vừa trở lại đời sống hòa bình được 5 năm mà nay đã đi đầu trong tiến bộ khoa học và công nghệ!”.
Nhạc hiệu đặc biệt và giọng nói long trọng của phát thanh viên Nga đã thu hút sự chú ý của anh Nguyễn Nam, quê Nghĩa Bình, khi đó là sinh viên theo học ở Matxcơva.
“Tôi đã biết là nhạc hiệu như vậy được phát khi thông báo về cuộc phóng tàu lên vũ trụ. Tôi chỉnh âm thanh to hơn, mặc dù các bạn trong ký túc xá đã ngủ yên. Tất cả choàng dậy. Và chúng tôi nghe thấy: trong vũ trụ bao la kia, bay cùng với Viktor Gorbatko là một người đồng hương Việt Nam của tôi! Không ai trách tôi đã đánh thức bất ngờ. Mọi người xô đến chúc mừng tôi, tất cả rất vui mừng vì sự kiện người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên con đường vươn tới những vì sao do anh hùng Yuri Gagarin đã mở ra!”.
Còn ông Nikolai Maltsev, cán bộ lão thành của Nhà máy công cụ Matxcơva thì nhớ lại như sau:
“Sau khi được biết về chuyến bay, chúng tôi ghi danh Phạm Tuân vào đội sản xuất của mình. Vừa vặn lúc đó cần thực hiện đơn đặt hàng máy móc cho Việt Nam. Và trong những ngày của chuyến bay tất cả đã hoàn thành chuẩn mực, đảm bảo năng suất không chỉ cho riêng bản thân mà còn làm trọn vẹn cả suất của thành viên danh dự trong đội – phi hành gia người Việt. Kết quả là các cỗ máy được chuyển sang Hà Nội trước thời hạn. Tôi biết rằng các đội trong nhiều nhà máy Nga sản xuất hàng cho Việt Nam cũng đã làm việc với tinh thần như vậy”.
Phạm Tuân và thể thao
Các nhà báo của Ban Việt ngữ Đài phát thanh Matxcơva (nay là Sputnik), đã làm quen với phi công Phạm Tuân ngay trước chuyến bay, tại thị trấn Ngôi Sao ngoại ô Matxcơva, trong Trung tâm đào tạo phi hành gia mang tên Yuri Gagarin. Khi đó, Matxcơva đang tích cực tập trung chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic, và chúng tôi đã hỏi Phạm Tuân xem thái độ của người sĩ quan lái máy bay Việt Nam với thể thao là như thế nào.
“Tôi rất thích thể thao! - Đó là câu trả lời ngay lập tức, và tiếp đó là lời giải thích. – Chính thể thao giúp tôi trở thành phi công quân sự và bắn hạ “pháo đài bay” của Mỹ trên bầu trời Hà Nội vào tháng 12 năm 1972. Bởi vì thoạt đầu, Hội đồng Y khoa cho rằng tôi chỉ phù hợp với công tác mặt đất ở sân bay. Còn tôi thì ấp ủ ước mơ về bầu trời! Tôi bắt đầu tích cực tập luyện bóng đá, bóng rổ và các môn thể thao khác. Có mấy năm tôi là thành viên đội tuyển bóng chuyền của Không quân. Tuy nhiên, tôi chỉ cảm nhận đầy đủ tầm quan trọng của việc rèn luyện thể thao khi bắt đầu khóa đào tạo chuẩn bị cho chuyến bay vũ trụ. Trong chương trình gồm những bài tập nặng và khó đến mức chỉ qua một giờ học là trọng lượng cơ thể giảm đến vài ký!”.
Trong cuộc phỏng vấn này, Phạm Tuân bày tỏ hy vọng rằng tin tức về chuyến bay phối hợp Xô-Việt vào vũ trụ sẽ tiếp xung lực cho các thành viên Việt Nam tham gia Thế vận hội Olympic ở Matxcơva. Và mong ước đó đã thành sự thật. Lần đầu thi đấu tại Thế vận hội, các VĐV của nước Việt Nam thống nhất đã cố gắng cải thiện một số kỷ lục quốc gia. Từ đó trở đi có lẽ cũng bắt đầu chặng đường thể thao với những thành tích ngày càng cao mà người Việt Nam tự tin vững bước hôm nay.
Chuyến bay vào vũ trụ không phải là mục đích tự thân và kết thúc
Nhưng, hiển nhiên, ý nghĩa chính của chuyến bay là ở bình diện khác. 26 giờ đầu tiên sau khi xuất phát, con tàu vũ trụ Soyuz-37 cùng với Viktor Gorbatko và Phạm Tuân trên khoang đã bắt kịp Trạm quỹ đạo “Salyut-6”, nơi Leonid Popov và Valery Ryumin đã làm việc được vài tháng.
“Tôi sẽ không bao giờ quên cuộc gặp gỡ với họ trong không gian vũ trụ bao la! – ông Phạm Tuân nói trong cuộc phỏng vấn của Sputnik. - Họ chào đón chúng tôi theo phong tục Nga, với bánh mì và muối. Và điều chính yếu nhất là chào đón như những người bạn và người anh em thân thiết chân thành. Chúng tôi cùng nhau tiến hành chương trình nghiên cứu khoa học sâu rộng với những yêu cầu do đội ngũ các nhà khoa học Liên Xô và Việt Nam tập hợp, bao gồm cả y học, khoa học vật liệu và chụp ảnh toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Những kết quả thu được đã tìm thấy ứng dụng thực tế ở cả Việt Nam và Nga: dành để phát hiện khai thác các mỏ dầu khí, xây dựng đường xá và cầu cống, phân định các khu vực đánh bắt hải sản nhiều tiềm năng cũng như đánh giá tình trạng của rừng”.
Ngày 31 tháng 7, sau khi hoàn tất thành công trọn vẹn chương trình chuyến bay, nói lời tạm biệt với Leonid Popov và Valery Ryumin vẫn ở lại trên Trạm quỹ đạo, Viktor Gorbatko và Phạm Tuân trở về Trái đất. Ngày này cũng mang ý nghĩa lễ hội kép: Bởi chính vào 31 tháng 7, nhưng là trong năm 1958, Hội hữu nghị Xô-Việt đã được thành lập.
“Việt Nam đã được đưa lên không gian không chỉ bằng tên lửa, mà còn nhờ sức mạnh kỳ vĩ của tình hữu nghị hợp tác khăng khít giữa các dân tộc và Nhà nước của chúng ta”, - Anh hùng Phạm Tuân nhấn mạnh nhiều lần trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.