Theo Tiến sĩ Collin Koh, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định trên trang Maritimeissues về vấn đề Biển Đông hiện nay:
"Một mặt Trung Quốc thúc đẩy con đường ngoại giao như thông qua đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) song mặt khác, nước này vẫn tiếp tục sử dụng các công cụ cưỡng chế để đạt được các mục tiêu của mình bất chấp quyền lợi hợp pháp của các quốc gia khác".
Cũng theo chuyên gia này, trừ khi cộng đồng quốc tế có sự phản ứng mạnh mẽ trước hành động của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính, nếu không thì Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục lặp lại các hành động tương tự trong những năm tới. Và điều nguy hiểm là sự im lặng trước các hành động của Trung Quốc sẽ khiến các biện pháp cưỡng chế trở thành công cụ tiêu chuẩn để các quốc gia thực hiện mục tiêu của mình, làm gia tăng nguy cơ về các bất ổn trong khu vực.
Về ngắn hạn, Trung Quốc có thể đạt được một vài mục tiêu bằng cách sử dụng sức mạnh "cơ bắp" song về lâu dài, quốc gia này sẽ đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ hơn từ các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế.
Theo giáo sư Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Australia chỉ ra: "Hành động của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự can thiệp mạnh mẽ của các quốc gia như Mỹ, Anh hoặc Nhật Bản, cả trên tư cách đơn phương lẫn trong các thể chế đa phương của khu vực như ARF, EAS và ADMM+. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng nên biết rằng Việt Nam sẽ giữ vai trò là chủ tịch ASEAN cũng như thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2020. Việc Trung Quốc có các hành động gây bất ổn ở Biển Đông sẽ khiến Việt Nam lên tiếng cho một ASEAN thống nhất cũng như đưa các vấn đề liên quan ra thảo luận trong các diễn đàn đa phương”.
Tờ Philstar của Philippines cho biết tư lệnh lực lượng tuần duyên Mỹ, đô đốc Karl Schultz đã kêu gọi các nước đồng minh, cũng như các đối tác của Mỹ trong khu vực lên án những hành động gây hấn, đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Schultz khẳng định rằng các hành động của Trung Quốc là "không phù hợp với trật tự dựa trên các quy tắc".
"Tôi nghĩ lực lượng tuần duyên cần lên tiếng, Hải quân Mỹ cần lên tiếng, các đối tác đồng minh, các đối tác khu vực và các nước láng giềng cũng vậy. Tôi cho rằng chúng ta cần sự phản đối của cộng đồng quốc tế về các hành vi như vậy, những hành vi khiêu khích, cưỡng ép không phù hợp với một trật tự dựa trên các quy tắc".
Vụ Bãi Tư Chính
Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và do đó hoàn toàn không nằm trong vùng biển tranh chấp song Trung Quốc lại cho rằng bãi này nằm trong cái gọi là “Đường 9 đoạn” - một yêu sách phi lý đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế tuyên là vô hiệu nhưng Bắc Kinh hoàn toàn phớt lờ. Gần đây, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông này.
Haiyang Dizhi 8 is owned by China Geological Survey, a government agency. Here's a photo showing what the ship looks like while conducting a seismic survey. https://t.co/mbs6QD9Pll pic.twitter.com/a6OQ8qIm2k
— Ryan Martinson (@rdmartinson88) 11 июля 2019 г.
Ý kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam
Về phía Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng hôm 25/7 khẳng định:
"Về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi đã đề cập nhiều lần trong các phát biểu trước đây. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế".
Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.
"Duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.