Những vật chứng quan trọng nhất vụ án chạy thận ở Hòa Bình đã đi đâu?
Sáng ngày 5/8, đại diện Bộ Y Tế, TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình Y tế, Bộ Y Tế đã công bố bằng chứng quan trọng vụ án liên quan đến BS Hoàng Công Lương trong tai biến chạy thận ở Hòa Bình khiến 8 người tử vong.
Nếu như các thông tin trước đó đều khẳng định rằng, toàn bộ hệ thống RO1, RO2 phục vụ cho đơn nguyên chạy thận của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã bị thanh lý sắt vụn, thì nay, toàn bộ trang thiết bị đã được phục dựng khoa học nguyên trạng từ các mảnh rời tìm mua lại và thu thập được.
Đây cũng là cơ sở chính để Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Viết Tiến ký công văn đề nghị xem xét lại vụ án này.
Đáng chú ý, hai hệ thống này đã bị cơ quan điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình cho tiêu hủy. Trong đó hệ thống RO1 được cất vào kho của BV đã khoa tỉnh Hòa Bình, còn hệ thống RO2 bị bán sắt vụn.
Trước đó TS Lê Thanh Hải từng đặt ra nhiều nghi vấn về nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân đột ngột tử vong khi chạy thận có liên quan gì tới 3 chiếc van bị hỏng hay không. Vị chuyên gia này từng lưu ý việc Viện Khoa học hình sự tiến hành giám định và tìm ra 3 chiếc van bị hỏng, nhưng cơ quan điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình đã không điều tra và thực nghiệm chính xác về ảnh hưởng quan trọng và những tác động của việc hỏng 3 van tới toàn bộ hệ thống.
Trước truyền thông sáng nay, TS cùng nhiều nhà khoa học về trang thiết bị và công trình y tế đã chứng minh thực nghiệm khoa học. Các chuyên gia chỉ rõ, 3 chiếc van bị hỏng đã mở thông con đường làm cho chất ô nhiễm trong các cột lọc cỏa RO1 bị bong trôi, cuốn theo dòng nước không đảm bảo chất lượng chạy thận, xâm nhập tự nhiên vào tank (bồn chứa) RO2, làm ô nhiễm nước dung chạy thận cho bệnh nhân.
“Chúng tôi đã phải mất rất nhiều công sức để thu thập được đầy đủ toàn bộ 2 hệ thống này gồm đường ống, máy bơm, tank nước, hệ thống quả lọc..., riêng hệ thống RO2 được tìm thấy tại một nhà dân ở huyện Lương Sơn, Hoà Bình”, Viettimes dẫn lời TS Hải thông tin.
Từ giữa tháng 7 vừa qua, các chuyên gia của Viện bắt tay phục dựng lại hệ thống này và mất 2 tuần để hoàn tất dựa theo sơ đồ và các hình ảnh được cung cấp.
“Sau nhiều lần thực nghiệm, kết quả cho thấy nguyên nhân khiến 8 nạn nhân tử vong là do nhiễm đa chất, nguyên nhân do hỏng cùng lúc 3 van K1, K2, K3 của hệ thống RO1 chứ không phải do tồn dư HF”, TS Hải phân tích.
Hệ thống RO1 cấp nước tinh khiết vào tank RO1 đẻ rửa quả lọc thận, còn RO2 cấp nước chạy thận nhân tào. 2 hệ thống này dung chung hệ thống tẩy sạch CIP.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc chỉ tiến hành lau rủa màng lọc RO2 và tiệt khuẩn đường ống tuần hoàn cấp nước cho các máy chạy thận, sau đó thay van xả đáy bồn nên không còn tồn dư hóa chất.
Bằng chứng là đồng hồ đo dẫn điện hiển thị chỉ số cho phép. Hiện tại sau khi phục dựng, đồng hồ này vẫn vận hành tốt, cho kết quả đo đạc chính xác.
Đâu là nguyên nhân vụ chạy thận?
“Việc hỏng 3 van rất hi hữu, vì nếu không hỏng cả 3 van thì sự cố không xảy ra” – TS. Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo ý kiến chuyên gia, trong khi nguyên nhân thực sự là do 3 van của RO1 bị hỏng trùng hợp, đặc biệt là K2, K3 hỏng do quá trình sử dụng nhiễm hóa chất từ hệ thống CIP. Việc 2 van này bị hư hỏng khiến nước chri có thể được lọc qua cột lọc thô và lọc than (không đáp ứng đủ điều kiện), chảy vào tank RO2 rồi truyền đến bệnh nhân. Hệ quả này chính Bùi Mạnh Quốc cũng không kiểm soát được.
Từ quá trình phục dựng và thực nghiệm khoa học lại hệ thống RO theo các thao tác của Bùi Mạnh Quốc trong kết luận điều tra, TS Lê Thanh Hải khẳng định nguyên nhân thật sự khiến 8 bệnh nhân tử vong trong vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình do nhiễm đa chất, hoàn toàn không phải do axit HF như kết luận giám định trước đó của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an.
“Nguyên nhân nhiễm đa chất giải thích hợp lý việc các bệnh nhân có phản ứng sốc phản vệ sau khi chạy thận. Còn nếu theo cáo trạng, các nạn nhân chết vì axit HF thì phải có triệu chứng điển hình của ngộ độc florua cấp tính là rung thất, bệnh nhân mất tuần hoàn và tử vong rất nhanh” – TS. Lê Thanh Hải cho biết.
Việc tìm ra nguyên nhân thực sự gây tử vong trong vụ án sẽ giúp làm sáng tỏ vụ án, minh oan cho người vô tội, giúp ngành y tế quản lý tốt hơn về rủi ro, đảm bảo an toàn cho người bệnh, qua đó nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh.
Có mặt trong suốt quá trình thực nghiệm, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu- ĐBQH khẳng định đây là tình tiết hết sức quan trọng.
“Tôi đánh giá cao các chuyên gia đã có phương án khoa học chứng minh sự cố chạy thận ở Hòa Bình. Ngoài yếu tố con người đã được tòa án phân tích mổ xẻ, thì có các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong các bệnh nhân. Đây là hướng đi mới và rất cần thiết để các nhà tư pháp và các nhà khoa học dựng lại hiện trường một cách chính thức”.
Vị ĐBQH bày tỏ, ông hay bất cứ cử tri nào cũng đều mong muốn vụ án sẽ được thẩm định kỹ càng, cơ quan chức năng cũng cần tham khảo ý kiến lĩnh vực chuyên môn sâu hơn.
“Nếu kết thúc vụ án mà không khẳng định được nguyên nhân tử vong của bệnh nhân thì sẽ thành án lệ không tốt”- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu kết luận.
Án tù đối với Hoàng Công Lương tạo tiền lệ xấu với nền y tế Việt Nam?
Tháng 6/2019 phiên tòa xử vụ án chạy thận đã khép lại và BS Hoàng Công Lương bị HĐXX kết án 30 tháng tù giam.
Nhận định về kết luận này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đã bày tỏ ý kiến trăn trở trên Trí Thức Trẻ.
“BS Lương đã không chịu nổi sức ép mà cậu ấy phải đối mặt trong suốt hai năm qua, khi vụ án càng xét xử nhiều lần thì tội danh và mức án dành cho cậu ấy càng nặng, phải đối diện với tương lai tù tội và xa vợ con, cậu ấy đã nhận tội với tia hy vọng duy nhất là nhờ đó sẽ được xin giảm từ án tù giam xuống án treo.
Nhưng như chúng ta đều biết, cuối cùng mức án dành cho Lương vẫn là 30 tháng tù. Tôi rất buồn và rất tiếc… Tuy nhiên tôi nhấn mạnh là việc Lương có nhận tội hay không không thay đổi thái độ của tôi về vụ án này”.
Ông lý giải:
“Thứ nhất, tôi trước sau bảo lưu quan điểm BS Hoàng Công Lương chỉ có lỗi hành chính chứ không có tội hình sự. Án tù này không chỉ là một sự bất công với cá nhân bác sĩ Lương, mà còn là tiền lệ nguy hiểm đe doạ các bác sĩ khác trên khắp đất nước này.
Thứ hai, tôi rất không đồng tình với cả ba khâu của vụ án này, từ điều tra đến công tố và xét xử”.
Vị chuyên gia chỉ ra yếu tố vô cùng đáng chú ý, dù đây là một vụ án rất nghiêm trọng, lấy đi 8 mạng người, nhưng HĐXX lại bỏ qua ý kiến của Hội đồng chuyên môn.
“Trong khi việc tham khảo và căn cứ vụ án dựa trên những ý kiến của Hội đồng chuyên môn đã là hiến định được quy rất rõ trong Luật Khám chữa bệnh. Đó là điều khiến tôi thất vọng hơn cả về phiên toà này. Tôi lo lắng, với cách làm việc như này của các cơ quan tư pháp, rồi đây nhiều người trong số các bác sĩ chúng tôi sẽ phải đối mặt với nguy cơ tù tội trong các tai biến y khoa rất dễ xảy ra với công việc này”.
Ông đúc kết:
“BS Hoàng Công Lương đi tù trong một vụ án y tế chưa từng có tiền lệ, phơi bày những lỗ hổng quy trình của ngành Y. Sẽ là vô cùng oan ức và thiếu công bằng cho các bác sĩ khác, nếu sau vụ án này mà ngành Y vẫn không sửa chữa được điều đó”.