Có nhiều quan điểm cho rằng, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc sẽ bỏ giá thấp nhất để trúng thầu cao tốc Bắc Nam nhưng khi triển khai người ta mới thấy rõ những hậu quả ghê gớm như hàng loạt dự án bị đội vốn hàng ngàn tỉ mà Việt Nam đã và đang phải loay hoay tìm cách “giải cứu”.
Việt Nam có chọn làm cao tốc Bắc- Nam theo giá thấp?
Dự án cao tốc Bắc- Nam vẫn đang là chủ đề nóng được báo chí và dư luận Việt Nam thảo luận. Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn đề cập những vấn đề liên quan đến đại dự án này từ góc nhìn mang tính hiệu quả kinh tế, gánh nặng nợ công hay cả vấn đề quốc gia.
Tính đến nay, toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc-Nam đã được mở thầu, có 52 nhà đầu tư và liên doanh các nhà đầu tư trong nước cùng quốc tế tham gia. Đáng chú ý, chỉ có 15 nhà đầu tư Việt Nam, còn lại doanh nghiệp Trung Quốc chiếm áp đảo, đồng thời ghi nhận cả sự tham gia của đơn vị đầu tư từ Hàn Quốc và Pháp.
Tuy nhiên, nếu “đấu thầu” theo tiêu chí Bộ GTVT đưa ra, các nhà đầu tư nội Việt Nam hầu như không có cửa để cạnh tranh với các đại diện nước ngoài vì quy định vốn chủ sở hữu tối thiểu phải bằng 20% là lớn hơn rất nhiều so với nghị định 63/2018 với mức chỉ là 15%. Thêm nữa, việc yêu cầu thời điểm chấm thầu, nhà đầu tư phải chứng minh đủ 20% vốn chru sở hữu và không được góp theo tiến độ. Đây là khó khan hiện hữu với chính các nhà đầu tư Việt Nam.
Phải kể đến việc quy định doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải từng đầu tư dự án có tổng mức đầu tư bằng một nửa (50%) đoạn cao tốc đang đấu, cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải từng thầu dự án có mức đầu tư 4000-5000 tỷ đồng. Đáng tiếc, thực tế hiếm có nhà đầu tư nội nào đạt đủ tiêu chuẩn này.
Trước đó, mở thầu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có 6 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 4 doanh nghiệp đến từ nước ngoài và liên danh, gồm: Công ty Cơ khí Cảng Trung Quốc; Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Daewoo (Hàn Quốc); Liên danh Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty Cổ phần TASCO; Liên danh Cầu đường Sinohydro-Powerchina (Trung Quốc).
Dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có 10 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 7 doanh nghiệp nước ngoài và liên danh, gồm: Công ty Cơ khí Cảng Trung Quốc; Công ty TNHH Kỹ thuật & Xây dựng Hyundai (Hàn Quốc); Liên danh Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty Cổ phần TASCO; Liên danh Cầu đường Sinohydro - Powerchina (Trung Quốc); Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte (Hàn Quốc); Công ty Kỹ thuật & Xây dựng POSCO (Hàn Quốc); Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam (Trung Quốc).
Dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có 5 nhà đầu tư tham gia và cả 5 nhà đầu tư này đều là doanh nghiệp nước ngoài và liên danh, gồm: Daewoo E&C Co., Ltd. (Hàn Quốc); China Railway 16th Bureau Group Co., Ltd. (Trung Quốc); Liên danh China Road - Bridge Corporation (Trung Quốc); Metallurgical Corporation of China Ltd (Trung Quốc); Liên danh Vinci Highways - Horizon Invest JV (Pháp).
Dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm có 8 nhà đầu tư tham gia, trong đó có có 4 nhà đầu tư nước ngoài và liên danh, gồm: Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam (Trung Quốc); Tập đoàn Cầu và Đường Trung Quốc và hai liên danh giữa công ty Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc.
Dự án đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 6 nhà đầu tư tham gia, trong đó 3 doanh nghiệp nước ngoài và liên danh, gồm: Công ty TNHH China Harbour Engineering (Trung Quốc); Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư và thi công Vân Nam (Trung Quốc); Liên danh Công ty China National Machinery Import & Export Corp - Công ty Đường sắt 21 Trung Quốc (China Railway 21 Bureau Group) - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.
Dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 5 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 3 doanh nghiệp nước ngoài và liên danh, gồm: Tổng công ty Cầu và Đường Trung Quốc; Liên danh Công ty China National Machinery Import & Export Corp - Công ty Đường sắt 21 Trung Quốc - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập; Liên danh Công ty TNHH China Gezhouba Group - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194 - Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620.
Dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có 11 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 9 nhà đầu tư nước ngoài và liên danh, gồm 5 nhà đầu tư từ Trung Quốc, 2 nhà đầu tư từ Hàn Quốc, 1 nhà đầu tư liên danh giữa Trung Quốc và Việt Nam và 1 nhà đầu tư từ Pháp.
Việt Nam sẽ tiến hành lựa chọn, sau khi có kết quả sơ tuyển, sẽ bắt đầu đấu thầu tuyển nhà đầu tư các dự án thành phần đường sắt cao tốc Bắc- Nam từ tháng 10/2019. Công tác chấm thầu, phê duyệt kết quả được tiến hành trong tháng 3/2020 và chính thức đàm phán, ký kết hợp đồng trong tháng 4/2020.
Xác định tiêu chí cạnh tranh đấu thầu cao tốc Bắc-Nam
Đại diện Vụ Đối tác Công tư (PPP-Bộ GTVT) đã lên tiếng lý giải vì sao Bộ áp dụng những quy định trên trong quy trình đấu thầu. Theo luật Đấu thầu và Nghị định số 30, dự án cao tốc Bắc-Nam được thực hiện theo hình thức PPP phải đấu thầu quốc tế nên các tiêu chí tuyển chọn nhà đầu tư đều được công khai, bình đẳng đối với tất cả các nhà đầu tư, không có chuyện “mang lợi, gây hại” riêng cho bất cừ nhà đầu tư nào của nước này hay nước kia.
"Trong hồ sơ thầu cũng sẽ quy định rất rõ tại điều 5 của luật Đấu thầu, các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các gói thầu cao tốc Bắc - Nam phải liên danh hoặc sử dụng thầu phụ ở Việt Nam. Như vậy nhà đầu tư nước ngoài nếu trúng thầu sẽ phải huy động vốn quốc tế vào Việt Nam đầu tư, còn các nhà thầu phụ sẽ phải là của Việt Nam. Lúc đó sẽ tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp trong nước" - đại diện Vụ Đối tác công tư cho hay.
Với lợi thế về nguyên vật liệu, nhân công tại chỗ, các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh với các đại diện từ nước ngoài.
Về vấn đề doanh nghiệp phải đảm báo mức tối thiểu 20% vốn chru sở hữu trong tổng mức đầu tư, vị này lý giải, đối với các dự án PPP, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ từ 10%-15% tổng mức vốn đầu tư, nhưng qua kinh nghiệm triển khai dự án BOT giao thông vừa qua, nhiều cơ quan chức năng và dư luận cho rằng mức như vậy là thấp, thậm chí có ý kiến còn nói nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, toàn lấy tiền vay ngân hàng để làm BOT.
Vị này khẳng định, việc nâng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cao tốc Bắc- Nam đã được xem xét rất kỹ lưỡng. Rồi dựa trên Nghị quyết số 20 của chính phủ quy định rõ vốn chủ sở hữu phải đạt 20% tổng mức đầu tư để đảm bảo năng lực tài chính.
Nếu chọ giá thấp, các nhà thầu Trung Quốc sẽ trúng hết?
Báo VNN dẫn lời chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức bày tỏ lo ngại trước việc nhiều nhà đầu tư từ nước láng giềng của Việt Nam sẽ tìm đủ mọi cách, bỏ giá thấp nhất để trúng thầu.
Ông thẳng thắn khẳng định:
“Việc có nhiều nhà đầu tư tham gia mời thầu chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam là tín hiệu tốt”.
Vị chuyên gia nhấn mạnh để đấu thầu hiệu quả và công bằng, ngay từ đầu khung pháp lý hồ sơ mời thầu, đấu thầu phải minh bạch rõ rang, không “thiên vị” bất cứ đại diện đầu tư trong nước hay quốc tế nào.
"Điều này không chỉ để yên tâm đầu tư mà còn tránh được kiện tụng khi triển khai dự án sau này", ông Đức nói.
Trước lo ngại của dư luận về khả năng nhiều nhà đầu tư cố gắng bỏ giá thấp nhất để trúng thầu, TS Đức thẳng thắn nói:
“Nếu chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc Nam theo giá thấp thì nhà đầu tư Trung Quốc trúng hết”.
Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, đối với việc đấu thầu quốc tế, vấn đề đáng quan tâm nhất không chỉ là yếu tố bên ngoài mà quan trọng hơn cả chính là ban quan lý các dự án trong nước cũng phải đủ năng lực, trách nhiệm. Đặc biệt, phải hết sức cứng rắn để quản lý, đốc thúc được nhà thầu thì dự án thi công mới đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Theo đó, BTGVT đã thuê Deloitte và Ernst & Young là 2 đơn vị tư vấn giao dịch quốc tế tham gia hỗ trợ giám sát.
Đại diện Bộ GTVT khẳng định đây là những đơn vị giàu năng lực và kinh nghiệm hàng đầu từng làm việc với hàng loạt nhà đầu tư quốc tế. Các bên sẽ cùng bộ GTVT xây dựng hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng BOT và các quy định nhằm quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng, hạn chết thấp nhất tình trạng trì trệ, đội vốn, chậm tiến độ như nhiều dự án nhãn tiền.
Đặc biệt, các bên sẽ phối hợp chặt chẽ, xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các nhà thầu không đảm bảo yêu cầu đã đề ra.
Nhà thầu Trung Quốc áp đảo, Chính phủ Việt Nam nói gì?
Trước kết quả sơ tuyển chọn thầu cao tốc Bắc- Nam, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc chiếm đa số làm dấy lên nhiều lo ngại, đại diện Bộ GTVT và Chính phủ đã lên tiếng lý giải.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đây là dự án đối tác công tư PPP, theo luật đấu thầu phải thực hiện đấu thầu quốc tế.
“Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu trường hợp có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, cấp thẩm quyền quyết định. Chúng ta đang giai đoạn sơ tuyển, sau đó mới đánh giá sơ tuyển, mới chuyển sang bước đấu thầu, chính thức lựa chọn nhà thầu”.
Về phía mình, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ rất quan tâm đến tất cả các hồ sơ mời thầu tuyến cao tốc Bắc-Nam.
Đây là tuyến đường “xương sống”, vậy nên tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng là “đấu thầu công khai quốc tế, minh bạch, không thất thoát, không tiêu cực, chọn đúng doanh nghiệp, nhà thầu có đủ năng lực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rà soát chặt chẽ lại toàn bộ dự án để đảm bảo các tuyến đấu thầu có doanh nghiệp Việt Nam tham gia”.
Chính phủ hay dư luận nhân dân Việt Nam đều hiểu rất rõ vấn đề “vì an ninh quốc gia, dân tộc, không thể ham giá rẻ mà chọn nhà thầu Trung Quốc”, như Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã từng trả lời cử tri trước lo ngại dòng vốn từ Bắc Kinh muốn đổ vào cao tốc Bắc-Nam:
“Phương châm của chúng ta là đoàn kết với tất cả các nước láng giềng. Đảng có trách nhiệm với nhân dân, sẽ làm tất cả để giữ gìn độc lập chủ quyền”.