Trung Quốc quyết không công nhận phán quyết về Biển Đông

© AFP 2023 / Ted AljibeBiển Đông
Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng khẳng định: Bắc Kinh không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Hague về Biển Đông 2016 và đến nay, quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị, “không hề thay đổi”.

Tuyên bố này được đại diện Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra trước chuyến thăm của Tổng thống Duterte tới Bắc Kinh từ tháng 28/8 đến 1/9 tới.

Ông Duterte sẽ bàn về căng thẳng Biển Đông và phán quyết của Tòa quốc tế

Hôm thứ Sáu ngày 23/8, Malacañang nhấn mạnh trong chuyến đi lần này, Tổng thống Duterte sẽ nêu vấn đề căng thẳng Biển Đông trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đồng thời, ông cũng sẽ nhắc lại phán quyết của Tòa án quốc tế The La Hague hồi năm 2016 đã bác bỏ các yêu sách về chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Trước áp lực trong nước phải hành động cứng rắn chống lại những hoạt động phi pháp của Bắc Kinh và bảo vệ chủ quyền Biển Đông, Tổng thống Philippines trước đó khẳng định, đã đến lúc phải viện dẫn phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Philippines- Trung Quốc:

“Còn nhớ, trước đây tôi đã tuyên bố sẽ có lúc tôi viện dẫn phán quyết? Bây giờ chính là thời điểm thích hợp nhất và đó cũng chính là lý do mà tôi phải đi Trung Quốc”, người phát ngôn phủ Tổng thống Salvador Panelo dẫn lời ông Duterte cho biết.

Tòa trọng tài Quốc tế The La Hague, thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS), ngày 12/7/2016 đã bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông và yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh.

Phán quyết này nêu rõ việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines khi can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá và khai thác tài nguyên dầu khí của Manila. Tòa Trọng tài Quốc tế đồng thời lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc khi tiến hành xây dựng trái phép các thực thể, đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Trung Quốc sau đó tuyên bố không tham gia vụ kiện, không chấp nhận và tuân thủ phán quyết. Bắc Kinh cũng mở chiến dịch vận động ngoại giao và dư luận quốc tế bác bỏ tính hợp pháp của việc thành lập Tòa án cũng như phán quyết sau cùng được đưa ra. Nước này kêu gọi nhiều quốc gia khác không tuyên bố ủng hộ phán quyết hay kêu gọi Bắc Kinh phải tuân thủ và thực hiện. Tuy nhiên, dưới góc độ luật pháp quốc tế mà nói, chính Trung Quốc là bên ký kết và phê chuẩn Công ước Luật Biển 1982 có nghĩa họ phải đồng ý với toàn bộ điều khoản của Công ước liên quan đến giải quyết tranh chấp. Philippines đã căn cứ vào mục giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) để đưa các vấn đề ra tòa.

Trung Quốc quyết không công nhận phán quyết Biển Đông

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông một cách đúng đắn và hợp lý sẽ mang lại lợi ích cho nền hòa bình và ổn định trong khu vực.

“Thực tế đã chứng minh rằng nếu chúng ta xử lý vấn đề này đúng đắn, đây sẽ là điều có lợi cho nền hòa bình và ổn định của khu vực”, ông Cảnh Sảng phát biểu.

Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Việt Nam đấu tranh với Trung Quốc đầy thông minh và dũng cảm

Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao khẳng định, Trung Quốc đã sẵn sàng đối thoại với chính phủ Philippines về hoạt động qua lại của nhóm tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

“Trung Quốc sẵn sàng tiến hành đối thoại với Philippines dựa trên luật pháp quốc tế về bảo vệ an ninh và trật tự hàng hải chung giữa các bên”, ông Cảnh Sảng nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng khẳng định, quan hệ song phương giữa Philippines và Trung Quốc sẽ được thảo luận cụ thể trong chuyến thăm của Duterte tới Bắc Kinh sắp tới.

Quan chức ngoại giao Trung Quốc còn tiết lộ Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Duterte sẽ tham dự lễ khai mạc giải vô địch bóng rổ thế giới 2019 (FIBA World Cup) do Liên đoàn bóng rổ quốc tế FIBA tổ chức.

Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ gặp Tổng thống Duterte và Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn sẽ tháp tùng nhà lãnh đạo Philippines đi xem trận đấu FIBA Basketball World Cup ​​ở tỉnh Quảng Đông.

Ông Cảnh Sảng còn gọi Philippines là “hàng xóm thân thiện” và là đối tác quan trọng của Trung Quốc trong “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”.

“Kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức, quan hệ Trung Quốc-Philippines đã được củng cố và trở nên sâu sắc hơn”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói. Chúng tôi đã làm việc để tìm kiếm sự phối hợp giữa “Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)” và chương trình phát triển cơ sở hạ tầng mang tên “Build Build Build”, gặt hái kết quả tốt đẹp trong quá trình hợp tác thực tiễn”.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Manila vào tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Philippines và Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện.

Khi Duterte tới Trung Quốc vào tháng 4 năm ngoái tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai, lãnh đạo hai nước đã đạt được sự đồng thuận mới về quan hệ song phương.

“Chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau ở cấp đối tác chiến lược, đồng thời mở rộng hợp tác để đảm bảo tiến bộ, ổn định và sự phát triển bền vững trong mối quan hệ song phương giữa Philippines và Trung Quốc, theo ông Cảnh Sảng tuyên bố.

Ngoại trưởng Philippines, Teodoro Locsin Jr. khẳng định không có gì ngăn cản Tổng thống Duterte thảo luận về phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài Quốc tế khi tham gia hội đàm với ông Tập Cận Bình trong tuần này.

Động thái cứng rắn của Việt Nam và Philippines

Lâu nay, Trung Quốc vẫn đơn phương quân sự hóa Biển Đông, tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích trên biển. Những năm gần đây, Bắc Kinh không ngừng cải tạo, xây mới các hòn đảo nhân tạo, đưa tàu bè, trang thiết bị vũ khí đến lắp đặt và triển khai quá trình quân sự hóa trái phép trên các thực thể ở Biển Đông.

Căng thẳng gần đây nhất xảy ra trên Biển Đông khi Trung Quốc liên tục đưa nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 và các tàu hộ tống của Lực lượng cảnh sát biển nước này đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại Giao, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, phía Việt Nam đã nắm được tình hình về hoạt động của nhóm tàu Hải Dương 8 trong những ngày qua, khi các tàu này tiếp tục xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được khẳng định theo đúng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

“Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam hiện vẫn đang theo dõi, thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền, quyền chru quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Bà nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt của Hà Nội trong giải quyết các tranh chấp không đáng có trên biển chính là bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ đúng luật pháp quốc tế.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình  - Sputnik Việt Nam
Philippines phát hiện ra vũ khí mới của Trung Quốc

“Với quyết tâm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Một lần nữa, Việt Nam đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982”, bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại.

Manila cũng ra tuyên bố về việc thắt chặt quy định hàng hải trong lãnh hải Philippines:

“Để tránh hiểu nhầm trong tương lai, Tổng thống Duterte thông báo rằng bắt đầu từ ngày 20 tháng 8, tất cả tàu nước ngoài đi qua lãnh hải của chúng tôi phải thông báo và được cơ quan chức năng cho phép trước”, phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines Salvador Panelo cho hay, báo Manila Bulletin đưa tin.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines cảnh báo với tàu nước ngoài rằng để Manila “làm theo quy định một cách thân thiện hoặc chúng tôi buộc phải thực thi theo cách không thân thiện”. Ông giải thích thêm rằng, các tàu vi phạm quy tắc sẽ bị dừng lại, và sẽ được yêu cầu rời khỏi lãnh hải Philippines. Đồng thời, Manila không loại trừ việc sử dụng lực lượng vũ trang nếu tàu nước ngoài vượt qua biên giới.

“Nếu điều đó phải làm thì chúng tôi sẽ làm”, ông Panelo nói.

Việc chính quyền Philippines đưa ra tuyên bố này phản ánh mong muốn của Tổng thống Duterte nhấn mạnh tầm quan trọng phải bảo vệ lợi ích quốc gia trên Biển Đông và đấu tranh chống lại những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp này.

Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển. Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là hai quần đảo trên các rạn san hô ở Biển Đông, trong đó quần đảo Hoàng Sa đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei; các quốc gia này tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала