Duterte nên thăm Việt Nam và Malaysia trước khi đến Trung Quốc
“Trước khi đến thăm người “bạn thân” của mình ở Bắc Kinh vào cuối tháng 8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cần một bài học chiến lược về cách ngăn chặn các tàu Trung Quốc xâm chiếm vùng biển nước này. Và ông cần học cách ngăn chặn Trung Quốc biến Philippines thành “bán thuộc địa” thời hiện đại”, Giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York, Mỹ trong bài viết đăng trên Forbes ngày 17/8 khẳng định.
Chuyến thăm của ông Duterte đến Bắc Kinh diễn ra vào thời điểm Trung Quốc tăng cường áp lực trên mọi phương diện khẳng định Biển Đông là “biển riêng”, sân nhà của họ. Vào tháng 7 và đầu tháng 8, nhóm tàu khảo sát địa chất và tàu chiến Trung Quốc liên tục di chuyển trên vùng biển phía nam Philippines, làm gia tăng căng thẳng hàng hải giữa hai nước. Năm tàu hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Sibutu, mà không thông báo cho Manila.
“Trong khi eo biển được coi là tuyến hàng hải quốc tế, radar của các tàu đã bị tắt để tránh bị hệ thống nhận dạng đối phương phát hiện. Hải quân Trung Quốc có những mãnh khóe lừa dối, nhằm che mắt các lực lượng vũ trang Philippines”, bình luận này được tờ South China Morning Post nêu.
Đó là không phải “hành động thân thiện” với bạn bè của Bắc Kinh, chứng minh rằng chiến lược “thân” Trung Quốc của Duterte không hiệu quả. Và Tổng thống Philippines nên tìm điểm tựa khác với những chiến lược thông minh, sáng suốt hơn.
“Việt Nam và Malaysia là những phương án vô cùng thích hợp cho hướng đi này. Giới lãnh đạo của cả hai nước dám đi những bước mạo hiểm mà Duterte không đủ dũng cảm để thực hiện: đứng lên đối đầu với Trung Quốc. Rõ ràng, cả hai quốc gia Đông Nam Á trên đều đạt được những kết quả khả quan hơn nhiều so với Duterte”, Giáo sư Panos Mourdoukoutas bình luận.
Việt Nam có chiến lược vô cùng thông minh và dũng cảm trước Trung Quốc
“Việt Nam đã đứng lên đấu tranh trước Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của mình đầy dũng cảm và thông minh”, giáo sư Mỹ khẳng định.
Dũng cảm, bằng cách thúc đẩy các bên tham gia xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), tài liệu nhằm hạn chế hoạt động ngang ngược mà Trung Quốc đang tiến hành trên Biển Đông bao gồm việc ngó lơ luật pháp quốc tế để xây dựng các đảo nhân tạo, phong tỏa, triển khai vũ khí tấn công như tên lửa, máy bay và nhiều trang thiết bị quân sự khác, đồng thời đe dọa thiết lập Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc khởi xướng năm 2013. Và Việt Nam cũng rất khôn ngoan khi huy động lực lượng của mình ngăn chặn kịp thời tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển của họ.
Nói Việt Nam thông minh vì họ đã chọn cách tăng cường hợp tác với “gã khổng lồ dầu mỏ” Rosneft của Nga cùng tìm kiếm và khai thác dầu khí ở các khu vực tranh chấp với Trung Quốc.
Đây là những nỗ lực của chính phủ trong công tác triển khai các cụm công trình kỹ thuật khai thác dầu mỏ thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Hà Nội (EEZ) trên Biển Đông ngay ở lằn ranh các khu vực trên biển được Trung Quốc tự phân định bằng đường chín đoạn, vốn là “âm mưu, thủ đoạn” của Bắc Kinh khi vạch một đường biên giới mơ hồ, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển.
“Sự hiện diện của Nga trong vùng biển tranh chấp chính là yếu tố giúp Việt Nam thay đổi cuộc chơi. Nó khiến Bắc Kinh vô cùng khó khăn khi đối đầu với hải quân Nga, sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Moskva trong khu vực. Và điều này sẽ làm giảm tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời gìn giữ hòa bình chung nơi đây. Cả hai chiến lược đều hiệu quả”, ông Panos Mourdoukoutas cho biết.
Liên quan đến sự kiện nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại, tiếp tục xâm phạm thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ngày 16/8:
“Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế. Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế”.
Việt Nam luôn kêu gọi đối thoại, duy trì hòa bình trên Biển Đông:
“Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Malaysia không hề sợ Trung Quốc
Về phía mình, Malaysia đứng lên đấu tranh với Trung Quốc đầy táo bạo, trên cả hai mặt trận kinh tế và quân sự quốc phòng. Ở trên đất liên, Chính phủ nước này đã đàm phán lại hàng loạt dự án hợp tác khổng lồ với Bắc Kinh. Cụ thể, Malaysia xác nhận đã thu giữ hơn 1 tỷ ringgit (243,5 triệu USD) từ tài khoản ngân hàng của Công ty xây lắp Đường ống Dầu khí Trung Quốc (CPP), một công ty con trực thuộc Tập đoàn năng lượng Nhà nước Trung Quốc (CNPC). Quyết định này được đưa ra sau khi Malaysia quyết dừng hai dự án đường ống dẫn dầu thất bại. Thêm vào đó, họ còn thẳng tay cắt giảm chi phí của dự án Đường sắt bờ Đông (East Coast Rail Link), tuyến đường kết nối các bán đảo trên bờ Đông và Tây Malaysia. Động thái này của Thủ tướng Mahathir Mohamad khiến Bắc Kinh vô cùng bất ngờ.
Còn trên Biển Đông, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) cũng thực hiện chương trình quốc phòng hiếm hoi, phô diễn khả năng sức mạnh tên lửa của mình gần khu vực tranh chấp hàng hải trên Biển Đông vào ngày 15 tháng 7
Đây là một phần đợt tập trận quân sự quy mô lớn “Kerismas” và “Taming Sari”, trong bối cảnh căng thẳng mới leo thang trên Biển Đông.
Các chiến lược, đường lối cứng rắn của Việt Nam và Malaysia chống lại những hành động phi pháp của Bắc Kinh đối ngược chính sách “lạt mềm buộc chặt” của Tổng thống Duterte, người luôn tìm cách xoa dịu thay vì đối đầu với Trung Quốc, mặc dù ông có sự ủng hộ của cả luật pháp quốc tế và sự cam kết của người Mỹ.
Những tuyên bố công khai của ông Duterte đều hướng đến một tôn chỉ “xoa dịu Bắc Kinh sẽ cứu hòa bình”, và mở đường cho các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này sẽ tạo công ăn việc làm cho người Philippines.
Thật không may cho Philippines, chiến lược mềm của Duterte hoàn toàn không hiệu quả. Trung Quốc tiếp tục khẳng định quyền kiểm soát đối với đảo Thị Tứ, còn được gọi là đảo Pag-Asa ở Philippines.
Hàng loạt biến động trên vùng biển tranh gấp gần đây giữa hai nước. Sự cố tàu Trung Quốc đã đánh chìm tàu ngư dân Philippines được phía Việt Nam cứu giúp, Manila chỉ lên tiếng cho rằng đây là “vụ va chạm nhỏ”.
Còn các dữ liệu mới công bố gần đây cho thấy nhóm tàu Trung Quốc đang hoạt động trên eo biển Sibutu của nước này.
Có một sự thật buồn rằng, các khoản đầu tư của Bắc Kinh đổ vào Philippines, nhưng họ chỉ tạo ra việc làm cho người Trung Quốc thay vì sử dụng người lao động địa phương. Và Manila sẽ rơi vào thế khó khi có nguy cơ mắc bẫy nợ tương tự như Sri Lanka.
Trên đây là lý do vì sao Tổng thống Duterte nên dành thời gian xem xét kỹ, học hỏi chiến lược của Việt Nam và Malaysia trước chuyến thăm tiếp theo tới Bắc Kinh.