Máy bay "Người mơ mộng" khác những khí cụ bay môtơ hạng nhẹ ở chỗ nào và tại sao trông nó giống như một chiến đấu cơ thực thụ nhưng lại chỉ dùng động cơ từ xe đua Chevrolet Corvette? Tác giả của dự án, ông Ben Kolotilin người Mỹ gốc Nga đã kể với Sputnik về chuyện này.
Lắp ráp “Người mơ mộng”
Chiếc máy bay nhỏ toàn thân sơn tông màu lam-xanh da trời và thậm chí có cả lá cờ Andreevsky đang đậu trong nhà để máy bay của phi trường Volgograd, một số thợ máy tiến hành những cuộc kiểm tra cuối cùng, chuẩn bị tháo dỡ để đưa Dreamer PJ-II đến Zhukovsky, nơi sẽ diễn ra Triển lãm Hàng không Quốc tế MAKS-2019. Tự máy bay chưa thể bay ở khoảng cách xa như vậy, mặc dù theo tính toán của các nhà thiết kế, máy bay đủ sức hoạt động trong phạm vi 1200 km. Để thực hiện chuyến bay đường trường thì trước tiên nó cần phải vượt qua các bài kiểm tra tương ứng.
“Máy bay được thiết kế dưới dạng KIT, tức là lắp ráp đồng bộ từ những chi tiết riêng lẻ. Mới đây chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận về khả năng không vận. Và tuần trước chúng tôi bắt đầu bay tại phi trường Volgograd. Nhưng để tiến hành chuyến bay dài thì còn sớm, cần phải vượt qua chương trình bay xa thử nghiệm”, - ông Ben Kolotilin nói (ông là một trong những nhà phát triển chính của Dreamer PJ-II).
“Người mơ mộng” được tạo ra như một mẫu máy bay học tập-thể thao, chẳng những trông nó giống như chiếc MiG thực thụ mà còn hoạt động trên không y như một chiến đấu cơ", - ông Kolotilin xác nhận.
Do đó, có thể dùng máy bay này dạy lái cho cả các phi công quân sự. Quả thực là thay vì động cơ phản lực, máy bay có động cơ nhỏ gọn từ loại xe thể thao Chevrolet Corvette và hai quạt gió, còn bản thân máy bay được làm bằng sợi thủy tinh. Với bình đầy nhiên liệu và hai người trên khoang, “Người mơ mộng” chỉ nặng 1.200 kg.
“Nó không có cánh quạt. Cánh quạt cũng tạo ra những luồng không khí nhất định ảnh hưởng đến hoạt động của máy bay. Do đó, khi phi cơ bay thuần túy do luồng phản lực, nó hoạt động theo cách khác. Tất nhiên, tốc độ của nó nhỏ hơn chiến đấu cơ - 300-350 km mỗi giờ”, - ông Kolotilin nói.
15 năm cần mẫn
Dreamer PJ-II cất cánh lần đầu vào năm 2015, nó được thử nghiệm tại sân bay ngoại ô Krasnodar, nhưng trước đó là nhiều năm làm việc cho dự án. Từ ý tưởng đến một mô hình hoàn chỉnh đã mất gần 15 năm.
“Hồi cuối những năm 80 và đầu thập niên 90, khi tôi sống ở Mỹ, tôi có một chiếc Yak-18T, tôi đã bay đến Triển lãm. Và vào những năm 90, khi Liên Xô tan rã, máy bay Liên Xô bắt đầu được đưa đến Hoa Kỳ. Người ta mua những chiếc phi cơ Xô-viết như một sở thích cá nhân, hay dành cho các chuyến bay huấn luyện. Nhưng chúng là máy bay phản lực, rất đắt tiền cả về giá thành cũng như tốn kém khi vận hành. Và tôi nảy ra ý tưởng làm cái gì đó, giá cả phải chăng và dễ vận hành", - ông Kolotilin nói.
Theo lời ông, với ý tưởng này ông quay về Volgograd, vốn là nơi mà từ đó ông di cư sang Mỹ hồi cuối những năm 70. Ông kể rằng, từ nhỏ đã mơ trở thành phi công, nhiều lần không thành khi gắng thi vào trường Cao đẳng hàng không. Trước khi rời Volgograd đến Hoa Kỳ, Ben từng làm thợ cơ khí tại sân bay, sau đó được đào tạo theo chuyên môn kỹ sư bảo dưỡng máy bay tại Viện Hàng không Dân dụng Kiev. Và trải qua khóa học để trở thành phi công là khi đã ở Hoa Kỳ, nơi ông có công việc kinh doanh ô tô, trường dạy bay và cho thuê máy bay. Bây giờ tất cả những điều đó đã là quá khứ, Kolotilin chuyển về sống ở Nga, tuy vẫn giữ quốc tịch Mỹ.
"Tôi trở lại Nga vào năm 2001, và anh rể chồng chị họ của tôi khi đó đang xây dựng nhà cửa đã cho tôi xem công nghệ chế tạo du thuyền từ sợi thủy tinh, là việc anh ấy bắt đầu làm. Thế là tôi đề nghị chế tạo máy bay theo cách này. Bắt đầu làm việc từng bước, bắt đầu thu hút mọi người. Trường thiên sử thi này đã kéo dài 15 năm”, - ông Kolotilin kể.
Ben thừa nhận rằng công việc với mẫu máy bay của ông đã bị trì trệ do cuộc khủng hoảng năm 2008, khi đó có vấn đề là nguồn kinh phí dành cho phi cơ thực sự cạn kiệt, mọi người làm việc nhờ vào đam mê và lòng nhiệt tình. Với sự giúp đỡ của các nhà đầu tư tư nhân, “Người mơ mộng” chỉ được chắp cánh vào tháng 3 năm 2015, rồi ngay năm sau, PJ-II Dreamer được gửi tới một triển lãm chuyên ngành ở Mỹ, nhận được những đánh giá tốt còn công ty nhận được đơn đặt hàng đầu tiên.
“Chúng tôi thành lập công ty “AeroConcept” vì nếu như muốn nghiêm túc chế tạo và kinh doanh máy bay thì không thể làm việc như một cá nhân tài tử.
Sau triển lãm ở Mỹ, chúng tôi đã hoàn thiện mẫu máy bay và sẵn sàng bắt đầu sản xuất hàng loạt, nhưng để được như vậy cần có các nhà đầu tư. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy họ tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Zhukovsky”, - ông Kolotilin cho biết.
Duy nhất trong loại hình này
Theo lời kể của nhà sáng chế máy bay, sự khác biệt chính giữa mô hình của họ đã được cấp bằng sáng chế so với các mẫu tương tự là ở giá thành: Dreamer PJ-II có mức giá rẻ hơn mười lần. Bởi trên máy bay này lắp động cơ ô tô, quạt gió thay vì cánh quạt và không có turbin.
“Mẫu máy bay như vậy dù là loại huấn luyện-học tập, cũng có giá hàng triệu USD. Còn mẫu của chúng tôi rẻ hơn mười lần, tại Triển lãm ở Mỹ, chúng tôi đã quảng cáo nó với giá 89.000 USD, không bao gồm động cơ và thiết bị đồng bộ”, - ông Kolotilin cho biết.
Hiện thời ông Andrei Voloshin, đồng tác giả và là Giám đốc tài chính của “AeroConcept” có quyền lái chiếc Dreamer PJ-II. Ông là cựu phi công từng lái cho các hãng hàng không quốc tế, làm việc trong phi đội Volgograd, và sau sự nghiệp bay, ông đã tốt nghiệp Học viện Hành chính công, nhưng vẫn mơ ước trở lại với nghề bay. Do đó, như chính Voloshin thừa nhận, ông đã lập tức đồng ý với lời đề nghị của Ben để trở thành một thành viên trong đội "Người mơ mộng", họ đã làm việc cùng nhau về dự án suốt 8 năm nay.
Ông Voloshin đã bay trên Dreamer PJ-II khoảng 100 giờ và tin rằng "Người mơ mộng” sẽ thực hiện hoàn hảo các chức năng của nó.
"Tôi đã bay trên nhiều loại phi cơ, đã bay nhiều trên máy bay cỡ nhỏ. Máy bay của chúng tôi hóa ra tốt, tốt hơn nhiều so với máy bay sản xuất trong nước và sản phẩm của Mỹ. Tôi hoàn toàn tin tưởng về chiếc máy bay này", - ông nói.
Vào mùa thu, công ty sẽ bắt đầu khoá đào tạo dành cho những người muốn bay trên chiếc Dreamer PJ-II.