Hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nhận hối lộ khủng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra đại án Mobifone mua 95% cổ phần công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu AVG và đề nghị truy tố 14 bị can với các tội danh sau: “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”.
Chính bản thân ông Nguyễn Bắc Son khai nhận sau khi hoàn thành sự án Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng của ông Son tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để đưa cho ông 3 triệu USD, khoảng 65 tỷ. Ông Trương Minh Tuấn được hối lộ 200.000 USD.
Điều 354 Bộ Luật Hình Sự năm 2915 của Việt Nam quy định, nếu nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên thì các bị can, bị cáo sẽ có khả năng phải đối mặt với mức án từ 20 năm tù, chung thân hay thậm chí là tử hình tùy theo mức độ vi phạm. Việc nhận tới hàng triệu USD của ông Nguyễn Bắc Son gây chấn động dư luận. Đặc biệt, với quy định và chính sách pháp luật mới, nếu người phạm tội nộp lại ít nhất 3/4 tài sản đã tham ô, nhận hối lộ thì có thể thoát án tử hình.
Cứ nộp lại 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ, đút lót thì sẽ thoát chết?
Một số chuyên gia đã lên tiếng về vấn đề này.
Theo nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, ông Nguyễn Sơn, cho biết, theo khoản c, Điều 40 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về hình phạt tử hình quy định rõ, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động xin nộp lại 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ để khắc phục hậu quả, đồng thời, bị can tích cực hợp tác với cơ quan chức năng nhằm phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hay có công trạng lớn thì không thi hành án tử. Theo đó, Chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt từ tử hình sang chung thân.
Theo ông Nguyễn Sơn, như vậy, luật quy định vô cùng rõ ràng rằng, chỉ có Chánh án TAND Tối cao mới có thẩm quyền chuyển hình phạt từ tử hình sang tù chung thân đối với các “quan tham” đã nhúng chàm.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) lại khẳng định, không phải cứ nộp lại 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ là được áp dụng quy định chuyển hình phạt. Theo ông, bị can phải đảm bảo các điều kiện cần và đủ như chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tài sản đã tham ô, nhận hối lộ, cần hợp tác tích cực với cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hay lập công lớn.
“Để cụ thể quy định này, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP. Trong đó, khoản 1 điều 2 nghị quyết nêu, kể từ ngày 9.12.2015, người đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án tử hình mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân, gồm: Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và lập công lớn”, luật sư Hùng dẫn giải quy định pháp luật và cho biết thêm nghị quyết này cũng hướng dẫn rất rõ như thế nào là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”, là “lập công lớn”, nên rất dễ để các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện, áp dụng”, Thanh Niên dẫn lời luật sư Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Vì sao ông Nguyễn Bắc Son không được hưởng chính sách hình sự đặc biệt?
Trả lời tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 4/9, Thứ trưởng Công An Nguyễn Duy Ngọc đã trả lời câu hỏi của báo chí về việc vì sao ông Nguyễn Bắc Son không được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt. Theo đó, ông Ngọc cho biết, đây là chính sách ưu việt được kiến nghị áp dụng đối với những người vi phạm pháp luật nhưng có thái độ thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra trong khai báo, khắc phục hậu quả.
3 triệu USD ông Nguyễn Bắc Son khai đưa con gái đã đi về đâu?
Ông Nguyễn Bắc Son cũng khai nhận, rằng sau khi nhận số tiền khổng lồ trên đã đưa cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 đến 400.000 USD song không có tài liệu gì chứng minh.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu H. (con gái ông Son) lại khai với CQĐT rằng không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ cha. Bà H. thừa nhận bà có ra thăm cha mẹ ở Hà Nội vài lần, và vợ chồng ông Son cũng vào TP. HCM thăm con gái nhưng không nhớ rõ thời gian chính xác.
Kể cả khi đối chất với ông Son ở cơ quan công an, bà H. vẫn giữ lời khai không nhận tiền.
Quá trình điều tra, ông Son nhận thức được số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ là hưởng lợi bất chính nên đã nhiều lần viết đơn xin khắc phục hậu quả. Sau đó, ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục hậu quả.
Do chưa có chứng cứ và tài liệu khẳng định việc bà H. nhận tiền của ông Son nên Cơ quan điều tra không đủ căn cứ xử lý hình sự với người phụ nữ này.